Giá xăng dầu tăng liên tiếp, tạo áp lực lên chi phí sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Trong khi quỹ bình ổn đang dư nhưng lại chi nhỏ giọt.
Giá xăng dầu chưa dứt đà tăng
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (21/9) giá các loại xăng dầu tiếp tục tăng phi mã, ghi nhận lần tăng thứ 7 kể từ ngày 11/7 tới nay.
Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 lên 24.190 đồng, xăng RON 95 lên 25.740 đồng.
So với thời điểm bắt đầu chuỗi ngày tăng (ngày 11/5, mức giá là 20.131 và 21.000 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và RON 95), giá xăng E5 RON 92 đã tăng khoảng 4.060 đồng/lít, tương đương 20,16%; giá xăng RON 95 tăng khoảng 4.740 đồng/lít, tương đương 22,57%; giá dầu diesel tăng 5.940, tương đương 33,6%.
Theo giải thích từ Bộ Công thương, giá trong nước tăng liên tiếp là do biến động thị trường xăng dầu và kinh tế thế giới.
Cụ thể, lo ngại về nguồn cung xăng dầu thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung; Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa đông; triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc không như mong đợi do tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp; tình hình lạm phát của nền kinh tế thế giới…
Trong khi đó, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn, với hoạt động khai thác thủy sản, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% tổng chi phí sản xuất, với hoạt động vận tải là 63,36% và với khai thác than là 45,18%...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam cho biết, hiện sản lượng dầu của Nga lớn thứ ba thế giới, chiếm khoảng 13% thị phần toàn cầu, sau Mỹ chiếm 16% và 13,5% của Saudi Arabia.
Trong bối cảnh Saudi Arabia cắt giảm nguồn cung vốn dĩ có thể tinh chế ra lượng dầu diesel dồi dào thì lệnh cấm của Nga tiếp tục hạn chế nguồn cung này.
Điều này khiến cho các quốc gia nhập khẩu nhiều nhiên liệu từ Nga phải tìm kiếm các thị trường khác, khiến nguồn cung dầu thế giới cạnh tranh hơn. Các nhà máy lọc dầu trên thế giới cần gia tăng công suất, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu, kéo giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Theo ông Phạm Quang Anh, trong 4 tháng cuối năm, vấn đề siết chặt nguồn cung vẫn sẽ khiến giá dầu thế giới ở mức nền cao hơn nhiều so với nửa đầu năm nay. EIA dự báo thị trường sẽ thâm hụt khoảng 240.000 thùng dầu/ngày trong quý IV.
Do đó, giá dầu Brent sẽ còn dư địa tăng trên vùng 90-95 USD/thùng. Việc có vượt lên vùng giá 100 USD/thùng sẽ phụ thuộc phần lớn vào bối cảnh kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc.
Như vậy, nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao, bên cạnh sức ép vĩ mô vẫn tạo sức cản với giá dầu.
Quỹ thừa tiền, vì sao chi nhỏ giọt?
Ở kỳ điều hành gần nhất, cơ quan liên bộ chỉ chi sử dụng quỹ đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít. Mức chi quỹ kỳ này được cho là nhỏ giọt so với mức trích lập nhiều kỳ qua.
Báo cáo từ Bộ Tài chính nêu rõ, việc trích lập quỹ trong quý II lên đến 1.780 tỷ đồng, nhưng chi chỉ hơn 5,9 tỉ đồng. Còn tính đến ngày 31/7, số dư của quỹ đã lên tới hơn 7.438 tỷ đồng, mức cao nhất từ quý 1/2021 đến nay. Thế nhưng, kể từ đầu năm đến nay, mức chi quỹ hết sức khiêm tốn và số lần chi cũng hạn hữu.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao cơ quan điều hành không chi quỹ bình ổn để chặn đà tăng giá xăng dầu? Theo giải thích của Bộ Công thương, việc không trích quỹ bình ổn là thực hiện theo quy định của thông tư 103 của Bộ Tài chính về mức chi quỹ bình ổn xăng dầu.
Cụ thể, quỹ bình ổn xăng dầu chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên.
Do vậy, dù giá xăng dầu tăng liên tục trong 7 kỳ điều hành gần đây nhưng mức tăng giá cơ sở của hầu hết các kỳ đều dưới 7%, nên không thể trích quỹ bình ổn để kìm giá xăng dầu.
Bộ Công thương cho biết, để kiềm đà tăng của giá xăng dầu, bộ đã đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp phù hợp, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Cần sửa ngay
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả cho rằng, có những bất cập cần phải sửa ngay trong cách điều hành quỹ hiện nay.
Theo ông Thoả, để Quỹ BOG hoạt động hiệu quả, các quy định trên cần được sửa đổi các làm sao để bảo đảm tính phối hợp liên thông cả trích lập, chi sử dụng quỹ.
Đồng thời, tránh cả việc chủ quan không hợp lý trong việc chi sử dụng quỹ.
Cụ thể, nên quy định, chỉ áp dụng mức trích quỹ khi giá cơ sở của kỳ thông báo thấp hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề; không trích lập quỹ khi giá cơ sở kỳ thông báo cao hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề để tránh giá xăng dầu đã tăng lại bị tăng hơn do trích lập quỹ.
Khi giá xăng dầu kỳ thông báo cao hơn kỳ trước liền kề cần phải áp dụng biện pháp chi sử dụng Quỹ BOG.
Lúc đó, cơ quan quản lý phải ban hành thông báo công khai, rộng rãi là: Nhà nước áp dụng các biện pháp chi Quỹ BOG. Áp dụng có thời hạn cho đến khi giá cơ sở xăng dầu về mức bình thường, hoặc giảm. Lúc đó, cơ quan quản lý sẽ phải ban hành thông báo bãi bỏ các biện pháp bình ổn xăng dầu.
Người dân, doanh nghiệp đã "thấm đòn"
Là một shipper tự do, ông Đặng Văn Lai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá xăng tăng cao, nên mỗi lần đổ xăng ông phải mất thêm khoảng 15-20 nghìn đồng. Khách ít, chi phí tăng buộc ông phải tăng giá cho mỗi chuyến đi, tùy khoảng cách.
Tương tự, anh Lâm, một tài xế xe công nghệ cho biết, xăng tăng giá, cước phí chở hàng, chở người đều tăng khoảng 10-15%.
"Thu nhập nhiều người giảm mạnh trong năm nay, vì thế, họ quay sang đi xe máy cá nhân thay vì bị động gọi xe công nghệ với cước phí tăng vọt giờ cao điểm", anh Lâm nói và than thở, khách giảm rõ, sắp tới có thể phải tìm công việc khác.
Khách giảm, nhưng tài xế xe công nghệ ngày càng đông, họ cũng phải cạnh tranh gay gắt, anh Lâm cho biết, dãy trọ nơi anh ở (Mễ Trì) 10 phòng trọ thì có tới 6 phòng có người làm shipper.
Phía người tiêu dùng cũng cảm nhận rõ những tác động của giá xăng lên đời sống hàng ngày. Theo chị Đỗ Huyền Dịu, một chủ shop bán hàng online cho biết, việc kinh doanh khó khăn, doanh thu chỉ còn phân nửa so với trước.
Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như: điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm đã tăng trong những tháng qua, khiến chi tiêu của nhiều người dân càng eo hẹp.
Còn về phía doanh nghiệp sản xuất, họ cho biết, giá xăng dầu tăng khiến chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên, họ khó có thể hạch toán vào các đơn hàng đã ký từ trước.
Vì thế, họ sẽ phải tính toán cắt giảm những khâu không quan trọng, giảm chi phí sản xuất.