Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin khởi xướng lại dự án xây dựng cầu cạn bắc qua eo đất Kra - nơi được mệnh danh là "chiếc cổ của quỷ".

Nhưng lần này, liệu dự án có rơi vào quên lãng như những lần đề xuất trong suốt hơn 300 năm trước?

346 năm nằm trên giấy

Trong suốt hàng thế kỷ, kế hoạch xây dựng hành lang vận tải bắc qua eo đất Kra đã được các nhà lãnh đạo Thái Lan bàn tới bàn lui. Bởi eo đất Kra là một dải đất hẹp chạy dài theo hướng Bắc-Nam, nối bán đảo Malay với lục địa châu Á. Phần phía Đông của eo đất thuộc Thái Lan nhìn ra vịnh Thái Lan. Phần phía Tây thuộc Myanma (vùng Tanintharyi) và nhìn ra biển Andaman.

1
Ảnh minh họa dự án cầu cạn bắc qua eo đất Kra.

Thời cổ, eo đất này nổi tiếng là nơi khai thác quặng thiếc, thuận tiện làm tuyến giao thương Đông - Tây giữa vịnh Thái Lan và biển Andaman.

Do đó, từ năm 1677, chính người Pháp đã nhìn ra cơ hội thông thương, đưa ra ý kiến đào con kênh tại nơi hẹp nhất của eo đất giúp thông hai biển Andaman và vịnh Thái Lan. Tuy nhiên tại thời điểm đó, do chưa đủ kỹ thuật để thực hiện nên dự án chìm vào quên lãng.

Dấu mốc khác, năm 1882, Ferdinand de Lesseps, Tử tước xứ Lesseps - người chỉ huy đào kênh Suez có chuyến thăm eo đất Kra và hứa sẽ góp sức đào kênh này. Tuy nhiên, 5 năm sau Thái Lan đã ký một hiệp ước với Anh quyết định không đào kênh qua eo đất Kra để giữ lợi thế cảng biển cho Singapore.

Sau đó tiếp tục có nhiều lần bàn thảo, cân lên đặt xuống về dự án hành lang vận tải này nhưng không thành.

Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (người thân cận với ông Srettha) từng đề xuất lần đầu tiên vào năm 2005, nhưng chỉ một năm sau khi ông bị lật đổ, kế hoạch bị hủy bỏ.

Trớ trêu thay, sau một cuộc đảo chính khác vào năm 2014, quân đội đã khôi phục ý tưởng vào năm 2020 nhưng không thu hút sự chú ý do thời điểm đó kinh tế toàn cầu bị xáo trộn vì đại dịch.

Mới đây nhất, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin một lần nữa thúc đẩy kế hoạch xây dựng hành lang vận tải qua "cổ của quỷ" với một cây cầu cạn. Ông Srettha, hiện vừa là lãnh đạo Chính phủ Thái Lan vừa là Bộ trưởng Tài chính, từng đưa ý tưởng này ra với các nhà đầu tư Trung Quốc khi dự Diễn đàn Vành đai con đường ở nước này hồi giữa tháng 10/2023, sau đó tiếp tục quảng bá dự án với các nhà đầu tư Trung Đông.

Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức ở San Francisco, ông tiếp tục đưa ý tưởng này tới các nhà đầu tư Mỹ.

Kỳ vọng mang về 370 tỷ USD, thúc đẩy tăng trưởng

Nhận định về ý tưởng xây dựng cầu cạn qua eo biển Kra của tân Thủ tướng Thái Lan, ông Ian Storey, thành viên cao cấp tại ISEAS - Viện Yusof Ishak cho biết, kể từ khi nhậm chức vào tháng 8/2023, ông Srettha tập trung chính sách vào khôi phục nền kinh tế "xứ Chùa Vàng" sau một thập kỷ trì trệ vì tình hình chính trị phức tạp và đại dịch Covid-19 hoành hành.

Để xốc lại nền kinh tế, Chính phủ Thái Lan đã ưu tiên ký các hiệp định thương mại tự do, bản thân ông Srettha nhanh chóng có các chuyến thăm nước ngoài kêu gọi đầu tư. Bangkok cũng ấp ủ tham vọng đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với tầm nhìn kinh tế này, tân Thủ tướng Thái Lan đã khơi dậy lại ý tưởng xây dựng cầu bắc qua eo đất Kra.

Theo kế hoạch, Thái Lan muốn xây dựng cảng nước sâu ở tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan, ở eo đất Kra phía Thái Lan và một cảng ở tỉnh Ranong trên biển Andaman. Hai cảng sẽ được nối với nhau bằng cầu cạn gồm tuyến đường bộ và đường sắt dài 90km.

Các tàu chở hàng hóa sản xuất ở Đông Bắc Á sẽ dỡ hàng tại Chumphon, sau đó được chất lên xe tải và tàu hỏa đưa sang bờ bên kia và tương tự với các tàu chở đầy hàng hóa từ Tây Á và châu Âu tại tỉnh Ranong.

Theo ông Srettha, cầu Kra sẽ mang đến một tuyến vận tải mới thay thế eo biển Malacca ngày càng tắc nghẽn, nhờ đó các công ty vận tải biển sẽ tiết kiệm được thời gian đi thuyền từ 3 - 4 ngày, giảm 15% chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cầu được kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế trị giá 1,3 nghìn tỷ baht (tương đương 370 tỷ USD), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 1,5% và tạo việc làm cho 280.000 lao động.

Đặc biệt, dự án này sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế ở miền Nam, nơi các đảng liên minh cầm quyền vốn thể hiện không tốt trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2023.

Mặt khác, nếu được thực hiện, dự án này sẽ đưa Thái Lan vào trung tâm chuỗi cung ứng của Đông Nam Á.

Ý kiến trái chiều

Giống như dự án xây kênh đào Kra, những người chỉ trích dự án cầu Kra đã nghi ngờ tính khả thi về mặt kinh tế. Theo họ, việc đi vòng qua eo biển Malacca có thể làm giảm thời gian đi thuyền, nhưng việc dỡ hàng ở một đầu, vận chuyển đến đầu bên kia, rồi chất lại lên các tàu khác khi đi qua cầu Kra cũng sẽ làm mất nhiều thời gian như đi qua eo biển và sẽ thực sự làm tăng chi phí vận chuyển.

2
Quang cảnh khu vực eo đất Kra.

Ngoài ra, cầu cạn sẽ tác động tiêu cực đến môi trường, gây tổn hại cho ngành du lịch và đánh cá ở miền nam Thái Lan. Về mặt địa chính trị, nhiều người cho rằng, Thái Lan có thể bị hút vào vòng xoáy cạnh tranh Mỹ - Trung, đặc biệt nếu Bắc Kinh tài trợ cho việc xây dựng cầu này.

Song, Thủ tướng Srettha khẳng định quyết tâm theo đuổi dự án, thậm chí còn đề xuất rõ mốc thời gian. Dự kiến, sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư vào giữa năm 2025 và công tác xây dựng dự kiến khởi động từ cuối năm, hoàn thành vào năm 2030 với tổng chi phí khoảng 30 tỷ USD.

Điều mà ông Srettha đang băn khoăn là ai sẽ đầu tư cho cây cầu. Một dự án có quy mô lớn như vậy thường đòi hỏi đầu tư nước ngoài rất lớn. Thủ tướng Thái Lan đã đưa ra ý tưởng này ở Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản nhưng cho đến nay, ông vẫn nhận phản hồi mang tính ngoại giao chứ chưa mang tính cam kết.

Mặc dù các công ty xây dựng Trung Quốc có đủ điều kiện để xây dựng các cảng, đường bộ và đường sắt cần thiết, nhưng bản thân Bắc Kinh khó có thể đưa dự án này vào một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm, các nhà lãnh đạo nước này trở nên thận trọng hơn khi quyết định tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ ở nước ngoài, đặc biệt là những dự án có giá trị kinh tế chưa rõ như cầu Kra. Phía Nhật Bản cũng tỏ ra không quá hào hứng.

Đáng chú ý là chưa có công ty vận tải biển lớn nào trên thế giới tán thành đề xuất của ông Srettha.

Singapore phản ứng thận trọng

Về phía Singapore, nơi có cảng container bận rộn thứ hai thế giới và có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cầu Kra được xây dựng, quốc gia này phản ứng rất thận trọng.

Khi được chất vấn tại quốc hội về dự án trên, ông Chee Hong Tat khi đó là Quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải (mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông vận tải vào tháng 1/2024) đã nhấn mạnh chi phí vận tải qua cầu Kra có thể tăng cao vì quá trình xử lý bốc dỡ và xếp container để tiếp tục di chuyển qua cầu.

Bên cạnh đó, ông chỉ ra Singapore đang nỗ lực cải thiện khả năng kết nối, năng suất và hiệu quả các cảng và khi siêu cảng Tuas mới xây dựng đi vào hoạt động sẽ bổ sung năng lực logistics cho quốc đảo sư tử.

Trang Trần / Báo Giao thông