Các chuyên gia nêu thực trạng khoảng 80% đến 90% nước thải sinh hoạt tại các đô thị đang bị xả thẳng ra môi trường, đòi hỏi những giải pháp khẩn trương, phù hợp và quyết liệt để bảo vệ hệ sinh thái.
- Sông Cầu tiếp tục bị nước thải ô nhiễm đầu độc: "Không xả thì dân cũng chết"
- Khởi tố 2 giám đốc liên quan đến dự án nước thải 37 tỷ đồng
Ngày 12/4, tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”, nhằm ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước về thực trạng cũng như giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt đô thị ở Việt Nam.
Nhà báo Khánh Toàn, Tổng Biên tập tạp chí Môi trường và Cuộc sống cho biết, các đô thị tại Việt Nam phát triển rất nhanh. Những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn quản lý, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đã được ban hành. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, hệ thống cấp thoát nước ở các thành phố còn hạn chế, đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng kĩ thuật.
“Việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, thiếu cơ chế kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý có công nghệ chưa phù hợp, đã dẫn tới tình trạng nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý ngang nhiên xả ra môi trường, đe dọa đến môi trường sinh thái và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam”, ông Toàn nêu quan điểm.
Thông tin thêm thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam cho biết, ở các đô thị tại nước ta, khoảng 80% đến 90% nước thải đang bị xả thẳng ra môi trường.
“Tình trạng này tiếp diễn thì chỉ 20 đến 30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ không có nước sạch để dùng”, ông Huân nhận định.
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Vụ quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường thì đánh giá, công tác thu gom và xử lý nước thải cần nguồn vốn rất lớn, nhưng trên thực tế nước ta chưa thu hút được đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực này. Nếu quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng thì việc thu gom nước thải và xử lý nước thải sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết những bất cập trong công tác xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng: “Chúng ta cần chuyển đổi không sử dụng theo hướng hoạt động công ích, kêu gọi đầu tư tư nhân, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi, theo kinh tế thị trường”.
“Hiện nay, có thể thấy chính sách đã có, bắt tay vào thực hiện cần cụ thể hơn, bắt tay vào hướng kinh tế thị trường để thực hiện theo hướng bền vững hơn”, ông Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm.
Còn theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, để đảm bao được hạ tầng xử lý nước thải tại các đô thị, chúng ta cần sự nguồn vốn đầu tư rất lớn, theo tính toán sơ bộ có thể hơn 20 tỷ USD.
Bởi vậy, ông Đồng đề nghị, Việt Nam cần "xem lại các hệ thống chính sách cơ chế hiện hành, để khơi thông nguồn lực" trong nước cũng như hợp tác quốc tế. Ông cũng cho rằng nước ta “cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hoá, theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm sao để công tác này phải có nguồn thu”.