Ngày 7/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra”.

Trong bảo đảm các cân đối cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề về bảo đảm cân đối điện năng; yêu cầu khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc của ngành điện và nhấn mạnh quan điểm, mệnh lệnh dứt khoát là phải bảo đảm "Đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống".

img6158-169934331311679816728520231107175930
Tọa đàm: Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều yếu tố khách quan dẫn đến thiếu điện

Phát biểu tại Toạ đàm, PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế nhìn nhận, điện là một mặt hàng hóa đặc biệt có tầm quan trọng đối với ngành kinh tế quốc dân. Chúng ta cũng xác định, để cho một nền kinh tế phát triển, điện phải đi trước một bước.

Thời gian vừa qua, đặc biệt năm 2023, thời điểm tháng 5 và tháng 6, thiếu điện cục bộ. Có mấy nguyên nhân dẫn đến thiếu điện cục bộ. Cụ thể là do hiện tượng thủy văn không đáp ứng được nguồn cung ứng điện cho thủy điện. Còn đối với nhiệt điện, do sự cố cũng như một số hiện tượng dẫn đến thiếu điện. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng là cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm nắng nóng cục bộ, nhu cầu điện tiêu tốn. Từ những vấn đề đó dẫn đến hiện tượng thiếu điện”- PGS.TS. Ngô Trí Long nêu.

Nêu cụ thể hơn, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc bày tỏ, ngành điện nói chung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng đang cố gắng vận hành trong điều kiện khó khăn, vận hành như thế nào để kinh tế nhất, dẫn đến một số rủi ro. Nếu nước về đúng hạn sẽ không có chuyện thiếu điện, cắt điện; nếu như không có sự cố một số nhà máy nhiệt điện thì cũng không thiếu điện như vậy. Rõ ràng họ đã rất nỗ lực nhưng điều không may xảy ra.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua việc thiếu điện cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2023, có thể nhìn nhận: Thứ nhất, công tác dự báo là không lường hết được, bởi ở miền Bắc giữa tháng 5 bao giờ cũng có lũ tiểu mãn, giải quyết vấn đề mọi năm chúng ta đặt ra là thiếu nước cho phát điện nhưng năm nay thì không có.

Thứ hai là chúng ta cũng không lường được giá nhiên liệu của thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 diễn biến phức tạp đến như thế. Đấy là 2 yếu tố khách quan ảnh hưởng đến điện.

Cần sớm có kịch bản cung ứng điện cho năm 2024

Rõ ràng Thủ tướng đã có phản ứng rất kịp thời, cũng là trên kinh nghiệm của năm 2023, có hoạch định từ sớm, từ xa đối với cung ứng điện cho năm 2024.

Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, trong năm 2024, mệnh lệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chúng ta tìm mọi cách để kịch bản thiếu điện không xảy ra, cụ thể phải cố gắng đến phần nguồn điện ở miền Nam và xây dựng thật nhanh đường truyền tải điện, kỳ vọng thêm một phần nguồn điện dôi dư từ miền Trung ra. Đó là nỗ lực của Chính phủ, có thể thực hiện được và có thể cân đối được. Ngoài ra cũng cần nghĩ đến định hướng chung, ví dụ phát triển các nguồn tái tạo, ngay lập tức chúng ta có thể xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển giá điện ở khu vực miền Bắc.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nêu giải pháp, thứ nhất, về nguồn điện, dù chúng ta nỗ lực trong một lộ trình Net Zero, 5 năm tới, nguồn điện chạy nền như nhiệt điện vẫn vô cùng quan trọng. Hiện nay, trong Quy hoạch điện VIII không có phần điện nguyên tử. Vậy thì trước mắt, kỳ vọng vào những nguồn điện ổn định là điều hết sức quan trọng, đặc biệt là những nguồn như nhiệt điện…

Đối với Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, chỉ đạo của Thủ tướng rất đúng hướng. “Nhưng cũng không thể nói hôm nay chúng ta làm một nhà máy nhiệt điện khí Lô B – Ô Môn thì năm 2024 đã sẵn sàng đưa nguồn ấy vào được. Điều đó là rất khó do đặc trưng kinh tế - kĩ thuật của ngành điện. Cho nên tôi nghĩ rằng chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng là cần thiết nhưng kỳ vọng rằng nguồn từ dự án đó ngay lập tức cho năm 2024 thì rất khó”- PGS.TS. Bùi Xuân Hồi chỉ ra.

Thứ hai, đối với dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng cũng nằm trong lộ trình tương đối rõ ràng của ngành điện, nhưng để hoàn thành theo tiến độ thì cần có sự vào cuộc của nhiều bên, sự quyết tâm của nhiều đơn vị, trong đó thậm chí có những vấn đề, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải có những quyết sách như làm đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 trước đây.

Hiện nay, để đạt được tiến độ đề ra đòi hỏi nỗ lực rất nhiều. Tuy vậy, chúng ta vẫn không thể nói rằng xong hai công trình lớn như thế có nghĩa là việc cung ứng điện sẽ đảm bảo, đặc biệt trong ngắn hạn năm 2024.

e447800fc240e519770128a89672fae9
Cần sớm có kịch bản cung ứng điện cho năm 2024

Chia sẻ thêm, PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết, ở đây không phải vì thiếu điện cục bộ, thời gian ngắn trong năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải sớm xây dựng kịch bản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến vấn đề điện, điện có vai trò hết sức quan trọng. Kinh tế thị trường là phải xuất phát từ cầu, từ nhu cầu của thị trường, xác định nguồn cung.

Kịch bản xây dựng nguồn cung cho thị trường điện năm 2024 cũng xuất phát từ nguyên lý đó. Cho nên Chính phủ yêu cầu kịch bản sớm về nguồn cung để bám sát nhu cầu dân sinh cũng như nhu cầu nền kinh tế. “Theo quan điểm cá nhân tôi, không phải là sớm vì tránh hiện tượng "nước đến chân mới nhảy", cực kỳ nguy hiểm. Điện là ngành sản xuất do đó chúng ta cần quá trình lâu dài. Cho nên yêu cầu xây dựng một kịch bản sớm và cụ thể là một yêu cầu cấp thiết, cần thiết, tránh hiện tượng có những sự cố xảy ra như năm 2023. Đây là việc làm đúng, cần thực thi theo chỉ đạo này”- PGS.TS. Ngô Trí Long chia sẻ giải pháp.

Duy Anh / Báo Công Thương