Chứng kiến cảnh hàng nghìn chiếc xe phơi mưa nắng, phủ bụi, biến dạng, quả thực ai cũng cảm thấy xót xa.

Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND TP.HCM vừa tiến hành khảo sát theo kế hoạch tại một số đơn vị như Công an huyện Hóc Môn, Công an TP Thủ Đức, Công an quận 1, Công an quận 6 về công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện hành chính bị tạm giữ, tịch thu.

Quá trình khảo sát cho thấy tình trạng xe máy vi phạm giao thông bị tạm giữ chiếm số lượng lớn trong điều kiện kho bãi không bảo đảm, khiến nhiều xe hư hỏng.

Giải quyết xe vi phạm chất đống cách nào? 1

Trong khi nhiều bãi giữ xe vi phạm đang trong tình trạng quá tải thì người dân vẫn chưa mặn mà với quy định cho phép đặt tiền bảo lãnh để mang xe về tự trông giữ.

Chứng kiến cảnh hàng nghìn chiếc xe phơi mưa nắng, phủ bụi, biến dạng, quả thực ai cũng cảm thấy xót xa. Dù có là xe tang vật, xe vi phạm thỉ bản chất đó vẫn là tài sản của nhân dân, cá nhân, tổ chức.

Và không chỉ tại TP.HCM mà ở Hà Nội, Đà Nẵng cũng diễn ra tình trạng tương tự. Thực trạng này gây ra sự lãng phí rất lớn. Và một khi không được bảo quản tốt, trường hợp đưa ra bán đấu giá thu ngân sách sẽ rất khó, vì tài sản không còn nhiều giá trị.

Thật ra vấn đề xe vi phạm nằm phơi mưa nắng không phải là vấn đề mới. Do thực tế xử lý xe vi phạm và điều kiện kho bãi tạm giữ có hạn nên tình trạng này đã xảy ra từ lâu.

Quy định pháp luật buộc trách nhiệm của cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện phải bảo quản tốt tài sản nhưng lại không quy định điều kiện tiêu chuẩn kho bãi. Do mức phạt cao, nhất là những lỗi liên quan nồng độ cồn, nếu giá trị chiếc xe thấp, người điều khiển phương tiện, chủ xe sẵn sàng bỏ xe không đến giải quyết dù hết thời hạn tạm giữ.

Chưa kể có những xe không biển số, không có số máy, số khung hoặc bị tẩy xoá, lấy từ xe này lắp sang xe khác nên nhiều khi lực lượng chức năng không thể xác minh được chủ phương tiện hay xe tang vật. Còn các bước xác minh, thông báo, tịch thu, thẩm định giá bán đấu giá cũng phải mất khoảng 2- 3 năm. Thời gian đó, xe vẫn ở bãi tạm giữ. Và có khi đưa ra đấu giá được thì tiền thu được chưa chắc đã đủ chi phí.

Bên cạnh đó, quy định giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người vi phạm tạm giữ cũng đã có, nhưng trên thực tế việc này thực hiện rất hạn chế.

Trước đây, người vi phạm giao thông bị tạm giữ xe có thể đặt tiền bảo lãnh để mang xe về, song thủ tục rất rắc rối. Đến khi Nghị định 31/2020 ra đời, việc đặt tiền bảo lãnh đã đơn giản hơn.

Cụ thể, người vi phạm không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác, mà có thể dùng luôn CMND, hoặc căn cước công dân, hoặc đọc mã số định danh để được đối chiếu khi nộp đơn xin bảo lãnh xe; không cần phải chứng minh có nơi giữ xe đáp ứng an toàn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường, chỉ cần đăng ký nơi giữ xe (là nhà riêng, bãi trông giữ)…

Nghị định số 138/2021 tiếp tục quy định cụ thể hơn nữa về điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm để thuận tiện áp dụng; giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra như khi đến thời hạn chấp hành quyết định xử phạt mà người vi phạm không đến giải quyết...

Dù chi tiết và cụ thể hơn về điều kiện, thủ tục bảo lãnh xe, song về cơ bản, Nghị định này không có nhiều điểm mới so với Nghị định 31/2020. Người vi phạm muốn bảo lãnh xe vẫn vướng quy định phải mất thời gian 2 ngày làm thủ tục, quá trình đó xe vẫn phải ở bãi tạm giữ.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, xe đã vi phạm bị tạm giữ có bảo lãnh về nhà cũng chỉ cất giữ, không được tham gia giao thông. Do đó, chỉ với những xe đắt tiền, chủ xe “xót ruột” mới làm thủ tục bảo lãnh. Vì vậy, vướng mắc chưa hẳn là mức tiền đặt bảo lãnh, mà thủ tục phải thuận tiện, nhanh chóng.

Hiện nay, tỷ lệ công dân được cấp căn cước công dân gắn chip là khá lớn, được kết nối vào cơ sở dữ liệu dân cư. Thiết nghĩ, khi tất cả các thông tin cá nhân của người dân đã được thu thập, quản lý chặt chẽ trên kho dữ liệu dùng chung, có thể xem xét áp dụng việc cho bảo lãnh xe vi phạm ngay tại thời điểm, nơi vi phạm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử phạt vi phạm giao thông nói chung và việc cho bảo lãnh phương tiện nói riêng rất cần được quan tâm, thúc đẩy.

Rộng hơn, cần giải pháp đồng bộ hơn là xem xét sửa đổi các quy định của Luật đấu giá tài sản, Luật xử lý vi phạm hành chính cũng như các văn bản liên quan thì mới có thể sớm tháo gỡ các vướng mắc như hiện nay.

https://www.baogiaothong.vn/giai-quyet-xe-vi-pham-chat-dong-cach-nao-d585195.html

Trần Hà / Giao thông