Giải thưởng Bảo Sơn 2024 là 120.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng), sau mỗi năm, giá trị giải thưởng tăng thêm 10.000 USD, năm 2026 giá trị mỗi giải thưởng sẽ là 140.000USD.

Trải qua 13 năm (2011-2024), Quỹ Bảo Sơn và Giải thưởng Bảo Sơn đã và đang trở thành 1 giải thưởng uy tín đối với cộng đồng khoa học, là nơi tìm kiếm và tôn vinh các nhà khoa học và công trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật và văn học và nghệ thuật  xuất sắc, có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Giải thưởng Bảo Sơn – với 13 năm tồn tại – hướng tới việc vinh danh những nhà khoa học và nhà sáng chế công trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật và văn học và nghệ thuật  xuất sắc, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, đã được ứng dụng có hiệu quả, đóng góp nổi bật vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Có thể nói, đây là giải thưởng “độc nhất vô nhị”, xuất phát từ tấm lòng không vụ lợi của doanh nhân Nguyễn Trường Sơn, thể hiện sự trân trọng các nhà khoa học và các nghiên cứu có giá trị thực tiễn đối với sự phát triển của nước nhà. Giải thưởng này không chỉ có ý nghĩa ghi nhận những đóng góp của giới khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất lớn – điều mà ít có giải thưởng nào tại Việt Nam làm được.

Sau 13 năm tìm kiếm, Quỹ Bảo Sơn và Giải thưởng Bảo Sơn đã vinh danh 5 công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, y học … và đang dần tạo được uy tín nhất định trong giới khoa học.

Năm 2024 là năm thứ 13 Giải thưởng Bảo Sơn được phát động. Năm nay, Giải thưởng Bảo Sơn được xét tặng cho các công trình khoa học và sáng chế trong 4 lĩnh vực đã được ứng dụng có hiệu quả, đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam. Đó là các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn; Công nghệ, kỹ thuật; Khoa học sức khỏe và Văn học, nghệ thuật.

Lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024.

Lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024.

Mỗi lĩnh vực xét trao giải cho 01 công trình nghiên cứu xuất sắc nhất, với mức thưởng tương đương 120.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng) kèm theo Chứng nhận và Cúp vàng Bảo Sơn. Mỗi năm, giá trị giải thưởng tăng thêm 10.000 USD, theo đó, năm 2026 giá trị mỗi giải thưởng sẽ là 140.000USD. Dự kiến đến năm 2027, mỗi giải thưởng có giá trị 1.000.000 USD và các năm sau còn cao hơn nữa!

Chia sẻ với báo chí, GS.TSKH Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Sự đặc biệt của Giải thưởng Bảo Sơn là đề cao tính thực tiễn, khả năng ứng dụng của công trình khoa học. Tiếp đó, đối tượng xét giải không giới hạn chỉ đối với công dân Việt Nam, kể cả là nhà khoa học nước ngoài có công trình phục vụ sự phát triển của Việt Nam, đem lại lợi ích cho Việt Nam thì đều được xem xét trao giải”.

 

GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng nhận định, nhìn chung số lượng giải thưởng về khoa học công nghệ ở Việt Nam còn ít và thưa, Ví dụ Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ 5 năm mới có 1 lần, quy trình xét duyệt hết sức phức tạp. Cho nên, việc có thêm Giải thưởng về Khoa học và Công nghệ như Giải thưởng Bảo Sơn mang ý nghĩa hết sức tích cực đối với những người nghiên cứu khoa học.

Theo ông, người làm khoa học không phải là không cần tiền nhưng họ không coi việc kiếm tiền là số một. Khi công trình khoa học được đánh giá đúng, được vinh danh thì giới khoa học sẽ cảm thấy rằng việc hoạt động trong lĩnh vực của mình được đề cao, được xã hội đánh giá tích cực. Và đó chính là ý nghĩa đầu tiên mà Giải thưởng Bảo Sơn đem lại - giá trị tinh thần, được công nhận, được vinh danh.

Điều thứ hai mà Giải thưởng Bảo Sơn đem lại là giá trị về mặt vật chất (120.000$ tương đương với 3 tỷ VNĐ). Với các nhà khoa học đã bỏ công sức, bỏ thời gian, tiền bạc để có được một công trình hoàn chỉnh, số tiền thưởng mà Giải thưởng Bảo Sơn đem lại gây một tiếng vang lớn, một sự vinh dự cho các nhà khoa học nhận được giải thưởng.

Bên cạnh việc vinh danh tại Lễ trao giải Giải thưởng Bảo Sơn, Quỹ Bảo Sơn sẽ hỗ trợ kinh phí để tiếp tục phát triển các kết quả nghiên cứu lên tầm cao mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, tạo đà giúp các công trình đạt giải thưởng cao hơn, vươn tầm quốc tế.

Bày tỏ sự kỳ vọng vào Giải thưởng Bảo Sơn 2024, - GS.TS Mai Trọng Nhuận (Chủ tịch Hội đồng giải thưởng - Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Chỉ sau 2 tháng tiếp nhận các Hồ sơ đăng ký, Hội đồng Giải thưởng đã nhận được 27 hồ sơ đến từ các bộ ban ngành, các đơn vị nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đây đều là những công trình nghiên cứu có ý nghĩa, có thời gian áp dụng vào thực tiễn và được các thành viên trong Hội đồng sơ khảo đánh giá cao. 

Với Giải thưởng Bảo Sơn 2024, trong quy chế giải thưởng có đề cập mỗi một lĩnh vực chỉ trao một giải duy nhất như vậy tối đa sẽ có 04 giải, chúng tôi kì vọng năm nay với số lượng hồ sơ đăng kí vượt trội so với các năm trước, chúng tôi sẽ trao được tối thiểu là 03 giải thưởng”.

Ông cũng mong muốn Giải thưởng Bảo Sơn sẽ được nhiều người quan tâm, biết đến hơn; thu hút những nhà khoa học, những người quan tâm đến khoa học tại Việt Nam và trên thế giới tạo ra thêm nhiều sản phẩm khoa học ứng dụng phục vụ sự phát triển của Việt Nam, đem lại lợi ích cho Việt Nam.

Tại lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, Chủ tịch Quỹ Bảo Sơn bày tỏ ông luôn mong muốn Giải thưởng đạt được mục đích ban đầu đã đề ra, khuyến khích nhà sáng chế, khoa học tài năng phát huy khả năng phục vụ đất nước. Đặc biệt, giải thưởng khoa học cần đủ tiềm lực để tạo động lực, khuyến khích người làm khoa học, người nhận giải cảm thấy được đền đáp xứng đáng với công sức đã bỏ ra và được tôn vinh xứng đáng với các công trình do mình tạo dựng.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, Chủ tịch Quỹ Bảo Sơn.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, Chủ tịch Quỹ Bảo Sơn.

Giải thưởng Bảo Sơn được kỳ vọng vượt ra khỏi danh xưng của một doanh nghiệp tư nhân để mở ra cơ hội kết nối trí tuệ đỉnh cao giữa giới khoa học, kỹ thuật, xã hội; hội tụ các nguồn lực để cùng chung tay thúc đẩy quá trình đưa các ý tưởng nghiên cứu vào phục vụ đời sống một cách thiết thực, hiệu quả đúng mong muốn của ông Nguyễn Trường Sơn – người vẫn miệt mài “đãi cát tìm vàng” cho giới khoa học Việt Nam.

 https://vtcnews.vn/giai-thuong-bao-son-hanh-trinh-dai-cat-tim-vang-ar903762.html

PV / VTC News