Theo chuyên gia, giải thưởng VinFuture tôn vinh và kết nối các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng, mang lại giá trị cuộc sống tốt hơn cho hàng triệu người trên thế giới.

Trao đổi bên lề toạ đàm Khoa học vì cuộc sống trong tuần lễ Khoa học VinFuture tổ chức sáng 19/1, GS Sir Richard Henry Friend, FRS, Đại học Cambridge (Anh), Chủ tịch Hội đồng giải thưởng cho biết, đây là sáng kiến về tổ chức giải thưởng khiến ông phấn khích. Ông đánh giá cao những công trình nghiên cứu tham dự.

Ban đầu Hội đồng sơ khảo kỳ vọng khoảng 200 hồ sơ tham gia, nhưng số lượng nhận được gấp 3 lần. Đặc biệt, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhiều nhà khoa học nữ cũng góp mặt với tỷ lệ 34,3% tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ từng nhận được các giải thưởng cao quý như: Nobel, Breakthrough, Tang Prize, Japan Prize…

VinFuture ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở sáu châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm tỷ lệ lớn 52,6%. Việt Nam tham gia với 17 dự án. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture.

"Các công trình này không chỉ nhiều về số lượng và đạt cả về chất lượng. Một điều nữa là sự kết nối giữa các phát kiến khoa học và quá trình triển khai phát kiến đó thực sự vượt xa tiêu chí mà chúng ta đưa ra đề cử dự án", GS Friend khẳng định.

Giải thưởng VinFuture: Tôn vinh những phát kiến khoa học vì hàng triệu người - 1
GS Sir Richard Henry Friend, FRS, Đại học Cambridge (Anh), Chủ tịch Hội đồng giải thưởng.

GS Albert Paul Pisano, Đại học California, đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture đánh giá, giải thưởng này ghi nhận công sức của nhà khoa học đã tác động lên cuộc sống hàng triệu người. "Rất ít giải thưởng trên thế giới tôn vinh và kết nối các nhà khoa học ngay từ khâu lên ý tưởng đến triển khai", ông nói.

GS Pisano nhận định, hạng mục giải thưởng năm đầu tiên được lựa chọn tinh tế chính là yếu tố thu hút sự quan tâm của mọi người. "Con người là mục tiêu cuối cùng chúng ta hướng tới", ông nói và nhận định đây là điểm khác biệt của giải thưởng này. Việc lựa chọn chủ đề có tính đa dạng trong nghiên cứu đã tạo sức thu hút lớn, nhất là với những ứng cử viên ở các khu vực ngoài Việt Nam. "Tôi nghĩ chủ đề chính yếu tố làm nên sự thành công của giải thưởng", ông nói.

GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California (Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng chia sẻ: "Tôi thấy nhiều công trình khoa học công nghệ ngoài kia chưa thực sự tạo nên tác động tới người nông dân lao động nghèo, nên tôi nghĩ điều khiến VinFuture nổi bật là mong muốn các phát kiến khoa mang lại tác động thực tiễn, tiếp cận được người nghèo".

GS Gerard Mourou, Đại học École Polytechnique, Pháp (đạt giải Nobel Vật lý năm 2018) - thành viên hội đồng giải thưởng chia sẻ, ông được Quỹ VinFuture mời tham gia vì từng đoạt giải thưởng Nobel. "Có lẽ VinFuture muốn hướng tới việc xây dựng giải thưởng này đạt tầm cỡ giải Nobel", GS Gerard Mourou nói.

Ông cũng cho rằng, để so sánh giải thưởng VinFuture với một số giải thưởng lớn khác như Nobel là rất khó. Nobel ra đời cách đây hơn 120 năm, còn VinFuture mới năm đầu tiên. Nhưng cả 2 giải thưởng có điểm giống nhau là khuyến khích lòng đam mê khoa học, đồng thời khuyến khích sự phát triển khoa học công nghệ của các quốc gia. Giải thưởng này thu hút nhiều sự quan tâm của giới khoa học. Sinh viên cũng sẽ nhìn thấy triển vọng của khoa học từ giải thưởng này để tham gia vào hoạt động nghiên cứu nhiều hơn.

Tọa đàm “Khoa học Vì Cuộc sống”, diễn ra sáng nay với sự tham gia của các nhà khoa học lỗi lạc như GS Sir Richard Henry Friend, GS Gérard Mourou, GS Antonio Facchetti, GS Sir Konstantin (Kostya) S. Novoselov, GS Jennifer Tour Chayes. Đặc biệt, các nhà khoa học đóng góp to lớn cho nhân loại trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 toàn cầu cũng tham gia như: nhà khoa học Katalin Kariko, GS miễn dịch học Drew Weissman, GS Pieter R. Cullis - những người đứng sau công nghệ mRNA điều chế vaccine COVID 19 (công nghệ gốccủa Pfizer, Moderna); GS Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim – những nhà dịch tễ học vớinhững đóng góp to lớn cho công cuộc chống lại căn bệnh thế kỷ HIV và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Tọa đàm có 3 phiên thảo luận, mỗi phiên sẽ kéo dài 90 phút với các chủ đề: Tương lai của Năng lượng, Tương lai của trí tuệ nhân tạo và Tương lai của sức khỏe toàn cầu. Các ý kiến tập trung vào các xu hướng, dự báonhững thay đổi quan trọng của cuộc sống khi có sự tham gia mạnh mẽ của khoa học công nghệ.

Đây cũng là những vấn đề nóng, được giới khoa học quan tâm và chiếm tỷ trọng lớn trong các đề cử của giải thưởng VinFuture năm 2021.

Giải thưởng VinFuture lần thứ nhất gồm: Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD và 3 giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, người đến từ nước đang phát triển hay nghiên cứu lĩnh vực mới.

Các dự án trải qua nhiều vòng xét duyệt bởi 12 thành viên Hội đồng sơ khảo và sau đó là 11 thành viên Hội đồng Giải thưởng. Lễ trao giải thưởng VinFuture sẽ diễn ra vào tối 20/1.

HÀ CƯỜNG

“Tò mò” – bí quyết của các bộ óc siêu việt nhất thế giới “Tò mò” – bí quyết của các bộ óc siêu việt nhất thế giới
Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Giải thưởng VinFuture tương đồng với Nobel Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Giải thưởng VinFuture tương đồng với Nobel
Các nhà khoa học quốc tế nói gì về giải thưởng VinFuture? Các nhà khoa học quốc tế nói gì về giải thưởng VinFuture?

/ vtc.vn