Ông Viện cho rằng, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội thì phải cấm xe máy càng sớm càng tốt.
Ngày 9/3/2019, trong buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã nói như trên khi nói về giải pháp chống ùn tắc ở Thủ đô.
Theo ông Viện, hiện Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu song song 2 đề án. Thứ nhất, đề án giảm dần tiến tới dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030. Đây là đề án được Sở GTVT Hà Nội chú trọng. Bởi ông Viện cho rằng, nếu cấm được xe máy càng sớm càng tốt.
Thứ hai là đề án thu phí một số loại phương tiện vào nội đô. Đây là đề án đã được Hà Nội báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.
Ý kiến này của ông Viện được Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông ủng hộ. Ông Đông cho rằng, ô tô có tiêu chuẩn khí thải nhưng xe máy không có, nên thành phố cần xem xét lộ trình hạn chế, tiến đến cấm xe máy, việc này sẽ cải thiện chất lượng môi trường không khí của thành phố.
Hà Nội sẽ cấm xe máy vào năm 2030?
Vấn đề cấm xe máy vào nội đô đã được Hà Nội nghiên cứu trong nhiều năm trở lại đây.
Khi nói về đề án này Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội cho rằng, căn cứ mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra để biện chứng cho đề án là chưa thỏa đáng.
Cụ thể, căn cứ Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra mới chỉ đứng ở góc độ quản lý về giao thông, còn góc độ liên quan đến quyền sở hữu thì chưa được đề cập.
"Theo dự thảo Nghị quyết, sẽ thu hồi xe máy cũ nát, xe không đảm bảo chất lượng môi trường. Tuy nhiên, nếu xe thuộc sở hữu tư nhân thì làm sao có thể thu hồi được? Căn cứ pháp lý nào để thu hồi?
Mặt khác, đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành tức là dự thảo Nghị quyết đã hạn chế một quyền trong quyền sở hữu của công dân.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu có 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Anh muốn cho tôi mua xe máy nhưng lại không cho tôi đi ra đường, như thế là hạn chế quyền sử dụng. Căn cứ pháp lý ở đâu để hạn chế?
Theo quy định của Hiến pháp, chỉ có luật mới hạn chế được quyền con người, quyền công dân, còn văn bản dưới luật không thể hạn chế quyền con người, quyền công dân" - Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến nói.
Còn GT.TS Nguyễn Viết Trung (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) đặt ra vấn đề hậu cấm xe máy, một khi đã cấm xe máy thì phải có phương tiện khác thay thế bởi người dân vẫn phải đi lại.
Vị chuyên gia này phân tích: "Giả sử Hà Nội cấm toàn bộ xe máy trong các quận nội thành, người có tiền sẽ chuyển sang đi ô tô. Đã có bài học của Bắc Kinh (Trung Quốc) về chuyện này. Họ cấm xe máy thành công nhưng lượng ô tô riêng gia tăng chóng mặt. Hệ quả là Bắc Kinh ô nhiễm khủng khiếp. Đó cũng là vấn đề mà Hà Nội phải tính toán đến.
Cần phải ghi nhận rằng dự thảo của Hà Nội cũng đưa ra biện pháp hạn chế ô tô. Chẳng hạn, cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh...
Thế nhưng dự thảo lại không tính đến chuyện xe vào Hà Nội không phải của người Hà Nội. Chẳng hạn, họ không cho đăng ký xe ở Hà Nội thì người dân đăng ký ở tỉnh khác và vẫn đi về Hà Nội. Như vậy, giải pháp cấm đăng ký không thành công, người dân sẽ có cách lách luật".
Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội: "Cấm xe máy càng sớm càng tốt" Ông Vũ Văn Viện cho biết, trong lộ trình dừng hoạt động của xe máy ở trung tâm có tính tới dừng đăng ký mới. |
Phó chủ tịch TP HCM: \'Thành phố không cấm xe máy\' Ông Trần Vĩnh Tuyến nói thành phố sẽ phát triển giao thông công cộng phục vụ người dân, từ đó hạn chế xe máy. |