Theo Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Bình Định, để giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trước ngày 31/8, các cơ quan, đơn vị đã phải làm cả thứ Bảy, Chủ nhật.

Là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp nhất trên cả nước, sau khi có sự chỉ đạo đôn đốc, chỉ trong vòng 1 tuần, tỉnh Bình Định đã giải ngân xong gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, đã có cuộc trao đổi với VTC News về vấn đề này.

- Cách đây vài ngày còn đang là tỉnh bị nhắc nhở về chậm giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, thế mà chỉ trong vài ngày Bình Định đã “về đích”. Có "phép lạ" gì không, thưa ông?

Ngay khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ấn định mốc thời gian 31/8, các địa phương phải hoàn thành công tác giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Tài chính, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thẩm định, trình phê duyệt ngay khi có hồ sơ gửi về, không để tồn đọng; đẩy nhanh việc chi hỗ trợ đối với các trường hợp đã phê duyệt.

Chúng tôi đã bố trí nhân lực làm cả thứ Bảy, Chủ nhật nhằm đẩy nhanh tiến độ để người lao động nhận được tiền trong tháng Tám.

Và ngay khi UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và giải ngân hơn 2 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho 1.423 lao động của 133 đơn vị. Đến hết ngày 29/8, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 133 đơn vị, với 1.423 lao động, kinh phí 2.078,5 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100% việc giải ngân .

Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Bình Định: ‘Không có việc giải ngân thần tốc’ - 1

 

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại tỉnh Bình Định, các cơ quan,đơn vị có liên quan đã phải làm cả thứ Bảy, Chủ nhật.

Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bình Định

Nguyên nhân của sự chậm trễ trước đó là gì, thưa ông?

Để xảy ra sự chậm trễ trước đó là do một số doanh nghiệp e ngại bị liên lụy nếu người lao động trục lợi chính sách nên yêu cầu người lao động các giấy tờ chứng minh phát sinh so với quy định (như giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà,…).

Ngoài ra, mặc dù thủ tục viết đơn, xác nhận lập danh sách rất đơn giản nhưng nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động không nắm rõ thông tin ở thuê, ở trọ của người lao động (do họ liên tục thay đổi địa điểm ở thuê, ở trọ, chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ) nên dẫn tới doanh nghiệp có tư tưởng né tránh việc xác lập hồ sơ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Mặt khác, do nhiều doanh nghiệp khi xác lập hồ sơ cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội, theo quy định thì phải cung cấp danh sách trả lương của người lao động, nên hầu hết các doanh nghiệp này đều né tránh, sợ trách nhiệm, không công khai danh sách trả lương.

Ngoài ra, nguyên nhân một phần cũng chính từ người lao động: Tâm lý không mặn mà, người lao động hay thay đổi địa điểm ở thuê, ở trọ nên khó khăn khi đi nhiều lần để xác nhận như yêu cầu trong mẫu đơn đề nghị.

- Liệu có phải nguyên nhân chỉ ở phía các công ty và người lao động, thưa ông?

Ngay khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, Sở LĐ-TB&XH cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện tới các Phòng LĐ-TB&XH, UBND cấp huyện. Cùng với đó, Sở tổ chức các buổi phổ biến, hướng dẫn chính sách có sự tham gia của các đơn vị liên quan.

Trước đó, chúng tôi cũng nhận được báo cáo của các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc, giai đoạn đầu rất ít doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đăng kí, đến khi gần tới hạn cuối là ngày 15/8 thì các doanh nghiệp mới cùng lúc nộp hồ sơ về các Phòng LĐ-TB&XH.

Điều này dẫn đến tình trạng quá tải công việc khi cán bộ phải luôn tay tiếp nhận, trả lời thắc mắc, hướng dẫn cho doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo đúng qui định.

Mặt khác, một số doanh nghiệp có hồ sơ bị trả lại để chỉnh sửa vì hồ sơ chưa đảm bảo chính xác, minh bạch về đối tượng và điều kiện được hưởng,... dẫn đến việc chậm tiến độ.

Chỉ 1 tuần đã giải ngân xong hơn 80% gói ngân sách hỗ trợ tiền thuê nhà còn lại, ông có nghĩ đây là một sự “thần tốc”? Liệu quá trình xác minh, thẩm định hồ sơ ngắn như vậy có đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng?

Tôi không nghĩ đây là sự "thần tốc". Ngay từ tháng 5/2022, khi UBND tỉnh có Công văn về kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Định, chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện các công việc có liên quan như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về các nội dung công việc mà người lao động cần kê khai trong đơn đề nghị hỗ trợ và người sử dụng lao động phải tổ chức thực hiện theo quy định.

Đồng thời, ban hành Công văn về hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ; Công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cung cấp danh sách và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định của Thủ tướng trên địa bàn.

Điều đó có nghĩa là, các bước tuyên truyền, hướng dẫn làm hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, lập danh sách đã được chúng tôi tiến hành mấy tháng nay. 

Một tuần nay, chủ yếu chúng tôi tập trung đẩy nhanh trình duyệt các hồ sơ gửi về còn tồn đọng và đẩy nhanh việc chi hỗ trợ đối với các trường hợp đã phê duyệt.

Quá trình xác minh, thẩm định hồ sơ chúng tôi rất thận trọng để tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng. Nếu không thẩm định chặt chẽ có thể dẫn đến việc gian lận, trục lợi chính sách.

Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Bình Định: ‘Không có việc giải ngân thần tốc’ - 2

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Bình Định hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. (Ảnh: Báo Bình Định)

- Được biết, Bộ Tài chính vừa xuất cấp không thu tiền 1.290,675 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bình Định, để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2022. Vậy tỉnh đã có kế hoạch triển khai giải ngân số gạo này như thế nào để khỏi rơi vào tình trạng "vắt chân lên cổ", thưa ông?

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn biến thời tiết thất thường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong gieo trồng cây lúa. Để giúp người dân trên địa bàn tỉnh giảm bớt khó khăn, không bị thiếu đói trong những tháng giáp hạt năm 2022, trên cơ sở đề nghị hỗ trợ của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở LĐ.-TB&XH đã tổng hợp nhu cầu hỗ trợ gạo với 38.182 hộ, 86.045 nhân khẩu, số gạo hỗ trợ là 1.316.580 kg.

Từ đó, Sở đề xuất UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng xem xét hỗ trợ cho tỉnh để hỗ trợ thiếu đói giáp hạt cho người dân trên địa bàn.

Sau khi được phê duyệt và xuất cấp, hôm qua (31/8), Sở LĐ-TB&XH đã trình UBND tỉnh Bình Định xem xét, quyết định phân bổ 1.290, 675 tấn gạo hỗ trợ thiếu đói giáp hạt năm 2022 cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để cấp phát cho người dân.

Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các trường hợp là người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn, định mức hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng.

Xin cảm ơn ông!

https://vtc.vn/giam-doc-so-ld-tb-xh-binh-dinh-khong-co-viec-giai-ngan-than-toc-ar698026.html

Nguyễn Gia / VTC News