Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh đã khiến chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần các biện pháp cắt giảm thuế mạnh mẽ để hạ nhiệt giá mặt hàng này, tuy nhiên bài toán này cũng không hề dễ.
- Doanh nghiệp vận tải trong ‘bão giá’ xăng dầu: Cận kề phá sản
- Xăng RON95 tăng 498 đồng, giá bán lẻ vượt 32.873 đồng/lít
Thuế chiếm tới 30% cơ cấu giá xăng
Hiện nay, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng (đây là mức đã được giảm 50% từ 1/4 năm nay).
Như vậy, tính riêng thuế đã chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong cơ cấu tính giá xăng dầu. Điều này có nghĩa mỗi lít xăng theo giá hiện hành đang phải “cõng” khoảng 9.500 – 10.000 đồng tiền thuế. Đây là chưa kể các chi phí như lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... khoảng 4-5%.
Để giảm áp lực giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các mặt hàng xăng dầu, từ 1/4 đến hết năm nay.
Tuy nhiên, trước biến động giá dầu thế giới vẫn đi lên theo chiều thẳng đứng, việc giảm thuế này không thể hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục lấy ý kiến để đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế BVMT với xăng dầu về mức sàn (1.000 đồng/lít xăng; 500 đồng/lít dầu).
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm thuế BVMT sẽ không có tác dụng nhiều đối với việc giảm giá xăng dầu.
Theo ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, với mức đề xuất của Bộ Tài chính, mức giảm tối đa với thuế BVMT sẽ là 3.000 đồng/lít, điều này là tốt trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đang trong quá trình phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng mức giảm này chưa đủ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. “Mặc dù chúng ta biết rằng giảm được chừng nào là hay chừng đó, giảm còn hơn không giảm, đề xuất giảm là hành động tốt nhưng mức giảm nhỏ không bù được khó khăn cho doanh nghiệp, người dân do giá xăng tăng” – ông Phương nói.
Không chỉ vậy, theo ông Phương, thuế BVMT xăng dầu đã có khung cố định, mức giảm theo đề xuất và phần đã thực hiện tính ra đã là 70% mức thuế áp dụng trước đó. Trong khi môi trường đang đối diện nhiều vấn đề, nếu tiếp tục giảm thì sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường nói chung.
Do đó, chúng ta có thể xem xét giảm các thuế khác, như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng thuế TTĐB nên là loại thuế cần được xem xét giảm đầu tiên để hạ nhiệt giá xăng dầu, vì xăng dầu được cho là mặt hàng thiết yếu.
Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc giảm thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do đó, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.
Hơn nữa, thuế TTĐB chỉ áp dụng với mặt hàng xăng, trong khi dầu mới là mặt hàng chính phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó giảm thuế TTĐB sẽ không thực sự hiệu quả để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết, trước mắt chưa đề xuất giảm thuế TTĐB với xăng dầu.
Cần sử dụng đồng bộ các phương tiện điều tiết khác
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố đó là: giá thế giới, thuế và Quỹ Bình ổn giá. Trong đó, giá xăng dầu thế giới tăng rất cao, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã âm. Do đó, “van điều tiết” là công cụ thuế sẽ cần tính đến. Trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện giảm nhiều loại thuế, thậm chí miễn một số loại thuế.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng việc thực hiện điều chỉnh thuế TTĐB, thuế GTGT cũng là giải pháp cần tính đến, tuy nhiên vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể giảm trong ngày một ngày hai.
Hơn nữa, tại Việt Nam, một chính sách phải thực hiện được đa mục tiêu. Hiện nay chúng ta cũng phải đảm bảo cân đối nguồn thu để đáp ứng các nhu cầu chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi cho an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
Vừa qua, chúng ta đã thực hiện gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ rất lớn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Chỉ trong 5 tháng qua, ngân sách đã hỗ trợ hơn 26 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm thuế trên tổng số hơn 64 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, theo vị chuyên gia, nếu giảm thêm nhiều khoản thuế đối với giá xăng sẽ làm khó cho ngân sách nhà nước.
Do đó, ông cho rằng, việc hạ nhiệt giá xăng dầu sẽ không chỉ tính đến các giải pháp về thuế, phí mà cần các giải pháp đồng bộ.
Trước mắt, Bộ Công Thương cần phải tính toán, khuyến khích các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tìm nguồn xăng dầu rẻ để mua về góp phần giảm giá. Việc khôi phục lại sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong nước cũng phải làm khẩn trương hơn. Cùng với đó, việc tiết kiệm sử dụng xăng dầu trong bối cảnh giá tăng cao cũng phải được người dân, doanh nghiệp tính toán…
“Nghĩa là chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chứ không chỉ tính đến việc giảm thuế mỗi khi giá xăng dầu tăng cao. Theo dự báo của Bộ Công Thương, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu cả năm 2022 sẽ ở mức 130 - 140 USD/thùng, nên chúng ta phải chủ động các phương án từ sớm, từ xa, chứ không thể mỗi khi xăng dầu tăng cao lại ép giảm thuế” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Về vấn đề tăng dự trữ xăng dầu, theo đại diện Bộ Công Thương, đây cũng là bài toán khó. Hiện nay nguồn cung xăng dầu của chúng ta đang ở mức thấp do Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn trục trặc về tài chính, nguồn cung xăng dầu trong nước chiếm 75% còn 35% nhập khẩu. Dự trữ quốc gia xăng dầu của chúng ta chỉ được 1 tuần, do đó việc nâng dự trữ là cần thiết. Nhưng nâng dự trữ là cả một vấn đề lớn vì việc xây dựng kho không hề đơn giản, tốn rất nhiều tài chính.
“Ở các nước có dự trữ xăng dầu lớn đến 1 tháng, khi giá xăng dầu lên họ xả dự trữ để bình ổn giá nhưng với Việt Nam, giải pháp này cần có thời gian. Chúng ta chưa quen điều hành giá xăng dầu thông qua dự trữ quốc gia và trong một vài năm tới chúng ta chưa thể điều hành giá xăng dầu bằng dự trữ được” – ông Lê Quốc Phương cho biết.