Chỉ còn 2 ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra. Đây là năm thứ 2 kỳ thi được tổ chức trong điều kiện dịch bệnh. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho thí sinh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành thì công tác phối hợp phòng chống gian lận thi, đặc biệt là gian lận bằng công nghệ cao luôn là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Phòng ngừa lợi dụng đeo khẩu trang để gắn thiết bị gian lận
Là một trong 2 địa phương có số lượng thí sinh dự tho tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước, năm nay toàn thành phố Hà Nội có 101.326 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 22.000 thí sinh so với năm 2020. Toàn thành phố có 4.235 phòng thi chính thức, 376 phòng thi dự phòng tại 188 điểm thi trên 30 quận, huyện, thị xã.
Ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch COVID-19 và hoàn thành khai báo y tế, tất cả thí sinh phải ghi nhớ danh mục các thiết bị, vật dụng được và không được phép mang vào phòng thi theo quy chế. Cán bộ coi thi cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, rà soát, nhắc nhở kỹ về nội dung này ngay khi gọi thí sinh vào phòng thi...
Đặc biệt, bản thân cán bộ coi thi và các thành viên tại điểm thi cũng cần tuân thủ nghiêm túc Quy chế thi, không được mang các thiết bị thu phát thông tin, không được làm việc riêng khi thực hiện nhiệm vụ coi thi. Từ nay tới ngày thi, cán bộ coi thi hạn chế ra khỏi thành phố, hạn chế giao tiếp với người ngoài gia đình, cố gắng giữ gìn sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Lực lượng Công an TP Hà Nội tham gia đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Phong Sơn. |
Liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, lực lượng Công an TP Hà Nội đã triển khai phương án bảo đảm an toàn ở tất cả các khâu. Tại Hội nghị hướng dẫn công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức, đại diện Công an TP Hà Nội đã lưu ý các điểm thi ưu tiên công tác phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm không để lộ, lọt đề thi.
Ngay từ buổi làm thủ tục dự thi, các điểm thi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí răn đe để thí sinh nhận thức rõ về các hành vi bị cấm và hình thức kỷ luật nếu vi phạm quy chế. Cũng theo Công an TP Hà Nội, các thiết bị công nghệ cao có thể được sử dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi chủ yếu là không dây, có thể tích hợp vào nhiều vật dụng nên khó phát hiện. Vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận, cán bộ coi thi cần lưu ý, khi gọi thí sinh vào phòng thi cần quan sát các vật dụng mà thí sinh mang theo; trong quá trình coi thi cần bao quát, quan sát kỹ các biểu hiện của thí sinh... Đồng thời, lưu tâm đến trang phục của thí sinh, phòng ngừa nguy cơ lợi dụng việc đeo khẩu trang trong phòng thi để gắn thiết bị gian lận.
Nâng cao ý thức tự phòng, chống gian lận cho thí sinh
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các tỉnh phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi. Trong đó, Bộ GD&ĐT đề nghị, Bộ Công an phối hợp bố trí lực lượng Cảnh sát bảo vệ vòng ngoài khu vực cách ly được sử dụng để triển khai công tác ra đề thi; cử cán bộ an ninh phối hợp với cán bộ bảo vệ của Bộ GD&ĐT trực tiếp bảo vệ vòng trong khu vực ra đề thi; đồng thời bố trí lực lượng và phương tiện kỹ thuật để kiểm tra an ninh khu vực ra đề thi, trang thiết bị phục vụ công tác ra đề. Có biện pháp bảo mật thông tin trong quá trình ra đề thi, in sao đề thi; bố trí lực lượng giám sát công tác vận chuyển đề thi từ địa điểm nhận đề thi về cơ sở in sao và từ địa điểm in sao đến các điểm thi.
Trong công tác coi thi và chấm thi, Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và đề nghị của các hội đồng thi, bố trí đủ lực lượng để tổ chức công tác bảo vệ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn cho các điểm thi và các địa điểm chấm thi, phúc khảo; bố trí đủ lực lượng để giữ gìn trật tự an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa các ùn tắc giao thông tại các thành phố, thị xã, các địa phương có tổ chức thi.
Đặc biệt, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành vi tiêu cực, gian lận trong quá trình tổ chức thi hoặc tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, góp phần bảo đảm kỷ cương và công bằng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh năm 2021.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Đối với việc phòng, chống gian lận, trong đó có gian lận có tổ chức, gian lận sử dụng thiết bị công nghệ cao, trong nhiều năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an luôn phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt ở các địa phương và năm nay cũng như vậy.
Tuy nhiên, việc phát hiện thiết bị công nghệ cao trên thực tế khá khó khăn nên quan trọng nhất là các cán bộ coi thi tại phòng thi phải quan sát được những diễn biến tâm lý, những tình huống cụ thể, những hành động bất thường của thí sinh, để từ đó có thể phát hiện được hành vi gian lận.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để học sinh nhận thức rằng, dù trong dịch bệnh thách thức như vậy, Bộ GD&ĐT, các địa phương, các thầy cô giáo, sở, ban, ngành liên quan đều cố gắng, quyết tâm để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng. Mọi gian lận nếu bị phát hiện thì thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất.
Sẵn sàng các phương án ứng phó tình huống đột xuất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã sẵn sàng ... |
Gần 1.200 học sinh TP.HCM không thể tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 1 Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại thành phố sẽ chia làm hai đợt, khoảng ... |