Trong bối cảnh lượng phương tiện giao thông cá nhân đang tiếp tục tăng nhanh, trong khi tiến độ các dự án phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị còn chậm, việc kéo giảm ùn tắc giao thông vẫn là một nhiệm vụ gian nan, phức tạp. Trước tình hình đó, cùng với nỗ lực giải quyết từng “điểm nóng”, thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu các giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, đặc biệt là phân vùng hoạt động của xe máy và thu phí phương tiện vào nội đô…

Đường Nguyễn Trãi (đoạn từ cầu vượt Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) sau khi thí điểm phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng đã thông thoáng hơn. Ảnh: Tuấn Khải

Vẫn còn 32 điểm ùn tắc

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời có nhiều nỗ lực nhằm từng bước kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Song, thực tế cho thấy, ùn tắc giao thông dù có giảm nhưng vẫn chưa bền vững. Trung bình mỗi năm, toàn thành phố nỗ lực xử lý được 8-10 điểm ùn tắc giao thông nhưng lại phát sinh các điểm ùn tắc mới.

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, năm 2019, thành phố xử lý được 9 điểm ùn tắc giao thông nhưng phát sinh 10 điểm; năm 2020 xử lý được 8 điểm, phát sinh 11 điểm; năm 2021 xử lý được 10 điểm, phát sinh 8 điểm. Như vậy, tổng số điểm ùn tắc cần giải quyết trong năm 2022 là 35 điểm. Từ đầu năm 2022 đến nay, dù đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Lắp đặt đèn tín hiệu, điều chỉnh tổ chức giao thông, cải tạo vỉa hè, mở rộng nút giao... song cũng chỉ có 3/35 điểm ùn tắc được xử lý, bao gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Thường Tín trên đường quốc lộ 1; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh.

Trong số 32 điểm ùn tắc còn lại, một số “điểm nóng” tồn tại nhiều năm nay như: Đầu phía Bắc cầu Chương Dương (quận Long Biên); nút giao cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); nút giao Liễu Giai - Đào Tấn (quận Ba Đình); nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân); tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu (quận Tây Hồ)... Ùn tắc giao thông cũng diễn biến phức tạp tại một số tuyến đường cửa ngõ thành phố và trục chính, đường xuyên tâm như: Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Kim Mã...

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân và doanh nghiệp vận tải chưa cao. Số lượng phương tiện tăng quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Nhiều tuyến đường bị rào chắn phục vụ thi công; lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn trong khi mặt đường nhỏ, gây xung đột giao thông...

“Giờ cao điểm sáng và chiều nào cũng xảy ra ùn tắc tại khu vực hai đầu cầu Lạc Trung. Các tuyến đường dẫn tới cầu, ô tô đi thành 3-4 hàng, xe máy không còn đường lại đi theo kiểu “điền vào chỗ trống” khiến cho giao thông hỗn loạn”, bà Nguyễn Thị Hằng (ngõ 61 phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng) cho biết.

Tuyến đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: Tuấn Khải

Nỗ lực xử lý từng “điểm nóng”

Trong bối cảnh đó, kéo giảm ùn tắc giao thông vẫn là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đối với các cơ quan chức năng thành phố. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, với các điểm ùn tắc, quận đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường lực lượng phối hợp phân luồng, hướng dẫn giao thông; kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông. Riêng với khu vực nút giao cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, quận đang chuẩn bị đầu tư mở một số đoạn đường nhằm nối thông từ đường Minh Khai sang Lạc Trung, khớp nối với đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, ngoài 3 “điểm nóng” đã giải quyết xong, Sở đang tập trung xử lý các điểm ùn tắc gồm: Ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One; nút giao Bạch Mai - Trương Định; Đại La - Trần Đại Nghĩa, Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng...

Nhằm giảm ùn tắc trong điều kiện hạ tầng chật hẹp so với tốc độ đô thị hóa nhanh, từ nay đến cuối năm 2022, Sở tiếp tục phối hợp với Công an thành phố Hà Nội phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu kết hợp hệ thống vạch sơn, biển báo trên các trục đường chính, như: Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, Vành đai 3, Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung, Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo, Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu…

Đối với các dự án giao thông trọng điểm, như: Đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; dự án hầm chui Lê Văn Lương, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2..., Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư bảo đảm tiến độ của dự án phù hợp với tình hình thực tế, kết hợp tổ chức giao thông để giảm nguy cơ ùn tắc. 

Tại Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 31-8-2022 của UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn giao Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội ngay trong năm 2022 chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu xây dựng Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" và Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1042066/gian-nan-keo-giam-un-tac-giao-thong

TUẤN LƯƠNG / HNM.com.vn