Việc tách làn đường riêng cho xe máy để giảm tai nạn giao thông đã được nói đến từ nhiều năm trước nhưng để triển khai trên diện rộng thì còn nhiều rào cản về nguồn lực và hạ tầng
Tại cuộc họp báo cáo cuối kỳ dự án "Xây dựng chiến lược an toàn giao thông đối với xe máy và kế hoạch hành động: Một khởi đầu Việt Nam" do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc dự án, cho rằng trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008, đưa vào luật hoặc văn bản dưới luật về làn đường riêng cho xe máy.
Yêu cầu cấp thiết
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong năm 2018, cả nước xảy ra 18.490 vụ TNGT đường bộ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Qua phân tích từ gần 7.000 vụ TNGT, nguyên nhân hàng đầu là người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường (25,42%); 10,37% do chuyển hướng không chú ý; 42,04% số vụ xảy ra trên quốc lộ.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, Việt Nam đang đứng đầu các nước ASEAN về tỉ lệ xe máy trên tổng số phương tiện cơ giới đường bộ. Từ năm 1990 đến 2018, lượng xe máy ở Việt Nam tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1,2 triệu lên gần 58,2 triệu xe. "Dự báo giai đoạn 2018 - 2021, số xe máy sẽ tăng hơn 1,12 triệu chiếc. Xe máy tăng đồng nghĩa TNGT liên quan đến xe máy tiếp tục tăng" - ông Đức nhận định.
GS-TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, cho biết hiện nay, ở các đô thị lớn, giao thông hỗn hợp, không phân rõ làn đường nên dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, việc quy định làn đường riêng cho xe máy hết sức cấp thiết, nhất là ở TP Hà Nội, TP HCM và các tuyến đường huyết mạch. "Ở những nơi có mặt đường rộng, trục quốc lộ có mật độ lưu thông cao, nếu tách được thì làm ngay, còn những đoạn nào hẹp thì tiếp tục mở rộng và cứ thế làm cho bằng được" - ông Sùa đề nghị.
Làm rồi dừng vì dân... liều mạng!
Đầu năm 2011, TP Hà Nội đã phân làn xe máy riêng ở 5 tuyến phố: Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, tình trạng vi phạm diễn ra rất phổ biến, người dân cứ thấy chỗ nào trống là đi, bất kể đấy là phần đường của ôtô hay xe máy. Vì vậy, sau một thời gian thực hiện, việc này phải tạm dừng.
Tại TP HCM, nhiều tuyến đường lớn hiện đã được tổ chức tách làn giữa ôtô và xe máy, đặc biệt là những tuyến có mật độ xe trọng tải lớn lưu thông cao như xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1 (đoạn kéo dài từ quận Thủ Đức đến quận Bình Tân)...
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TP HCM, cho biết tuyến Quốc lộ 1 sau khi bố trí dải phân cách tách làn đường giữa ôtô và xe máy, tình hình TNGT giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở nhiều tuyến đường hẹp vẫn phải cho các phương tiện lưu thông hỗn hợp. Đơn cử như đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (đều thuộc quận 9) hiện xem như con đường "tử thần" khi xảy ra hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng. Tuyến đường rộng khoảng 7 m, là đường 2 chiều và không có dải phân cách giữa trong khi mật độ xe tải, xe container dày đặc nên rất dễ xảy ra tai nạn.
Trong khi đó, ở nhiều tuyến đường dù có dải phân cách tách làn cho xe 2 bánh nhưng không ít người chạy xe máy vẫn liều mạng lưu thông vào làn đường ôtô, luồn lách giữa dòng xe tải nặng. Đơn cử như trên xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, tình trạng trên khá phổ biến và hàng loạt vụ tai nạn chết người đã xảy ra.
Mở rộng đường rồi mới tách làn
Theo TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, việc phân rõ làn đường với ôtô và xe máy đã nằm trong Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trên quốc lộ, ở tất cả những nơi có thể làm được làn riêng cho xe máy thì phải khẩn trương làm ngay. Tuy nhiên, tiến độ triển khai nội dung này rất chậm và nhiều bất cập. Nguyên nhân một phần do điều kiện của Việt Nam dân cư sinh sống bám theo quốc lộ dẫn tới việc phân tách làn bằng dải phân cách cứng có thể gây khó khăn cho việc tiếp cận nhà dân. Ngoài ra, do chưa thực sự được quan tâm nên nhiều nơi hoàn toàn đủ điều kiện để làm nhưng chưa làm.
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT - Bộ GTVT, cho rằng vấn đề kinh phí cũng là một trong những vướng mắc. "Muốn tách được làn cho ôtô, xe máy thì phải có đủ mặt bằng để thi công" - ông Tùng nói và nhận định với số lượng xe quá đông trong khi mặt bằng không mở rộng được thì phương án tách riêng không khả thi.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ GTVT), dẫn ví dụ Quốc lộ 1 qua tỉnh Long An (xảy ra vụ tai nạn thảm khốc xe container cán hàng loạt xe máy hôm 2-1) hiện có 4 làn xe với dải phân cách giữa 2 chiều lưu thông. Tuy nhiên, do mặt đường hẹp nên vẫn tổ chức làn đường hỗn hợp ở mỗi chiều. Quốc lộ 1 tại khu vực này như con đường "độc đạo" nối TP HCM và miền Tây nên lưu lượng phương tiện dày đặc ngày đêm.
"Với những tuyến đường như vậy, giải pháp hữu hiệu là phải mở rộng đường và làm thêm dải phân cách ở mỗi chiều, tách 2 làn ôtô và xe máy. Tuy nhiên, việc này buộc phải giải phóng mặt bằng và chi phí rất lớn nên tại những khu vực đảm trách, đơn vị sẽ khảo sát và thống kê lại, có thể kiến nghị nâng cấp và cho làm thí điểm ở các đoạn giao lộ có lưu lượng xe máy nhiều..." - ông Thành đề xuất.
Phải triển khai khoa học, hợp lý Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng việc tách làn là rất cần thiết nhưng phải tùy vào lưu lượng xe cũng như độ rộng, hẹp của đường. "Nếu chỗ nào có nguy cơ cao, địa phương hoặc cơ quan quản lý đường bộ sẽ nghiên cứu giải pháp rồi đề xuất lên, Tổng cục Đường bộ sẽ xem xét, thẩm định, sau đó triển khai một cách khoa học, hợp lý. Không phải tuyến đường nào cũng có thể triển khai tách làn hỗn hợp" - ông Huyện nói. |
Chuyên gia đề xuất tách làn đường riêng cho xe máy Xây dựng làn đường riêng cho xe máy được các chuyên gia cho rằng rất cần thiết trong điều kiện xe máy đang là phương ... |
Hố tử thần “khủng” ngốn gần hết 4 làn đường Hôm 18-12, một hố tử thần rộng 30 m, sâu 15 m xuất hiện giữa đường ở TP Surabaya, tỉnh Đông Java – Indonesia. |