Năm ngoái đơn vị đào tạo mà tôi làm việc tại Australia phải trải qua một đợt kiểm tra định kỳ để bằng cấp được công nhận. 

Ở Australia, mọi bằng cấp hay chứng chỉ đào tạo muốn được công nhận đều phải được giám định song song bởi hai hệ thống là AQF (Australia Qualification Framework - tạm dịch là bộ khung chứng chỉ Australia, được thiết lập và theo dõi bởi các cơ quan chính phủ) và tổ chức ngành nghề, ví dụ như Hiệp hội kỹ sư Australia (Engineers Australia). AQF đảm bảo giáo dục đúng phương pháp, còn Hiệp hội đảm bảo giáo dục đúng mục tiêu.

Đảm bảo đúng phương pháp thì tương đối đơn giản, chúng tôi cần tiến hành phân tích và chứng minh về tỷ lệ các nội dung học tập là hợp lý. Ví dụ như tỷ lệ về số bài tập lớn và số bài kiểm tra, khối lượng tự học và khối lượng truyền tải trên lớp, bài tập tự làm và kiểm tra, câu hỏi trắc nghiệm và tự luận… Điểm mắc mớ duy nhất hay gặp phải với AQF là việc chứng minh thời gian biểu là phù hợp và sinh viên có thể điều tiết được; không gặp cảnh nửa kỳ ngồi chơi, nửa kỳ vắt chân lên cổ chạy khi mà phần lớn nội dung quan trọng nằm ở nửa cuối của kỳ học. Nói chung làm việc với AQF là dễ thở bởi họ tôn trọng đặc thù của ngành đào tạo.

Đảm bảo đúng mục tiêu phức tạp hơn rất nhiều. Mỗi hiệp hội có tiêu chuẩn riêng mà kết quả đào tạo của ngành dọc phải bám theo. Nhìn tổng thể, phải không được thừa và không được thiếu, tức là không học cái không cần và không sót cái cần.

Ví dụ, kỹ sư chế tạo máy không học kinh tế vĩ mô, nhưng không được bỏ sót xử lý chất thải. Khi làm việc, tôi mới phát hiện ra rằng có một số thứ tôi đã dạy thừa theo quán tính của Việt Nam. Sai sót không lớn vì tôi vẫn đảm bảo đề cương môn học, nhưng người kiểm soát vẫn ghi chú rõ ràng: “Đề nghị cắt thời gian cho nội dung không đánh giá 1E để tập trung cho nội dung đánh giá 3B. Chỉ 2 trên 12 mẫu hoàn thành nội dung 3B làm quan ngại về việc không đủ thời gian học tập nội dung được đánh giá”.

Thời gian là thứ mỗi người đều có như nhau. Nếu phải học thêm một môn xã hội học thì sẽ bớt một môn thuật toán học máy (machine learning).

Nhìn tổng thể, giáo dục Việt Nam có vẻ toàn diện hơn, nhưng nhiều sinh viên sẽ không biết làm việc, và sự khác biệt chỉ ở tấm bằng. Nếu có chăng hơn nữa thì chỉ là sự hiểu biết lơ mơ khiến cho không thể làm nhưng có thể phán. Vậy nên, nếu muốn cải cách giáo dục để bắt kịp thời đại công nghệ, những nhà quản lý giáo dục cần xắn tay ngồi xem lại chương trình đại học xem có gì bất cập. Mà nhìn rộng ra thì không chỉ ở bậc đại học.

Những nghiên cứu suốt hơn 50 năm về chỉ số thông minh (Intelligent Quotient - IQ) đã chỉ ra rằng con người ngày càng thông minh. Nếu nhiều bậc ông bà phải làm bài kiểm tra IQ của cháu bây giờ thì chỉ đạt được 70 điểm, tức là ngưỡng thiểu năng trí tuệ. Trong khi đó khối lượng kiến thức phổ thông là không thay đổi. Vậy nên giáo dục của một số nước như Việt Nam đã mang khối lượng học của đại học xuống phổ thông để dạy đại trà.

Nhưng một ca sĩ không cần giải tích phân, một thư ký không cần phân tích gen lặn, một kỹ sư không cần biết trận đánh phá hủy bao nhiêu xe tăng địch. Trong các mục tiêu học tập của UNESCO, Việt Nam chỉ có “học để biết” mà không có “học để làm” và càng không có tác dụng gì với các mục tiêu khác.

Nhìn nhận một cách tích cực, Việt Nam đã có những cố gắng như phân ban, giảm tải khối lượng hay đăng ký môn tốt nghiệp. Tuy nhiên những cố gắng ấy có vẻ là chưa đủ khi mà học sinh vẫn phải è cổ học những môn học không phù hợp với cả mục tiêu lẫn nguyện vọng. Việc chỉnh sửa có thể gây ra nhiều xáo trộn cả về giáo trình và giáo viên, như có thể dư thừa giáo viên môn sử, thiếu giáo viên âm nhạc. Nhưng hãy để giáo dục theo mục tiêu của nó. Có thể việc một kỹ sư nhớ được chi tiết ngày tháng của trận đánh cũng như số quân địch bị tiêu diệt là ấn tượng, nhưng việc tất cả kỹ sư của một nền công nghiệp không chế tạo nổi một con vi ốc còn làm nhiều người ngơ ngác. Nếu ép học để quên, thì tốt nhất là đừng học bởi nó chẳng giúp ích gì cho tương lai, mà việc lơ mơ còn trở thành một bản năng thứ hai không tốt.

Trong câu chuyện thỏ và rùa chạy thi, con thỏ chạy nhanh nhưng thua cuộc bởi vì la cà. Người Việt Nam thông minh và ham học, nhưng kinh tế, kỹ thuật phát triển chậm vì ta học và làm những thứ không cần thiết.

giao duc co muc tieu Thêm gần vạn tiến sĩ, giáo dục Việt Nam sẽ tiến lên?

Để đề án lần này không đi vào “vết xe đổ” của những đề án trước, Bộ GD&ĐT nên cải tiến cách làm và cầu ...

giao duc co muc tieu Chân, Thiện, Mỹ, Hòa

Năm 2000, tôi tạm dừng sự nghiệp giảng dạy mới chớm nở để đi du học.

giao duc co muc tieu Cải cách giáo dục: Cuộc chiến tranh lạnh?

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi giữa chuyên gia Nguyễn Trần Bạt với nhà báo ...

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/giao-duc-co-muc-tieu-3674626.html

/ Tô Thức/VnExpress.net