Từ 1/1/2020, tiêu chuẩn nâng lên, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học quốc tế, phó giáo sư 3 bài. 

Thủ tướng vừa ban hành quyết định số 37/2018 quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. So với quy định cũ nêu trong quyết định 174 năm 2008, bản mới có nhiều thay đổi theo hướng nâng cao tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, hội đồng xét duyệt; công khai kết quả xét duyệt của các hội đồng.

Giáo sư, phó giáo sư bắt buộc phải có bài báo khoa học quốc tế

Tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư mới đặc biệt chú trọng việc ứng viên phải có công bố khoa học quốc tế. Cụ thể, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Trong đó, bài báo là công trình khoa học của tác giả đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN, thể hiện rõ ý tưởng khoa học, nội dung cần thiết của vấn đề nghiên cứu, tình hình nghiên cứu trong nước và quốc tế...

Trường hợp ứng viên không đủ công trình khoa học như quy định trên có thể thay thế bằng tối thiểu hai bài báo khoa học và một chương sách phục vụ đào tạo do nhà xuất bản uy tín thế giới xuất bản, hoặc hai bài báo quốc tế và một sách chuyển khảo do nhà xuất bản có uy tín xuất bản.

Với chức danh phó giáo sư, tiêu chuẩn về số lượng bài báo khoa học tối thiểu cần đạt ít hơn ứng viên giáo sư một bài. Trong quy định số điểm tối thiểu công trình khoa học quy đổi, ứng viên phó giáo sư thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên phải có ít nhất 6 điểm tính từ các bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế...; ứng viên lĩnh vực khoa học xã hội có ít nhất 4 điểm.

giao su phai co it nhat ba bai bao khoa hoc quoc te

Từ ngày 1/1/2020, quy định về công bố kết quả nghiên cứu khoa học quốc tế trong tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được nâng lên. Cụ thể, ứng viên giáo sư cần là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học đã công bố, ứng viên phó giáo sư là 3 bài.

Theo quy định mới, công bố khoa học quốc tế có thể dùng thay thế nhiều tiêu chuẩn khác nếu ứng viên không đạt đủ. Ví dụ, tiêu chuẩn yêu cầu ứng viên phó giáo sư phải có ít nhất 6 năm, trong đó có 3 năm cuối liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Tuy nhiên, nếu ứng viên đạt đủ 6 năm, không đủ số giờ chuẩn giảng dạy, được thay thế bằng việc "có ít nhất gấp 2 lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải quốc tế".

Nới lỏng quy định về viết sách cho ứng viên giáo sư

Quyết định 174 trước đây đặt ra tiêu chuẩn cứng về số điểm quy đổi từ việc viết sách mà ứng viên thuộc bất kỳ lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội... cần đạt được. Điều này gây bức xúc khi một số người, đặc biệt là ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, y học, có nhiều công trình quốc tế đã công bố nhưng vì không đủ điểm viết sách nên không được công nhận chức danh giáo sư.

Tiêu chuẩn chức danh giáo sư mới đã khắc phục nhược điểm này. Ứng viên giáo sư vẫn được yêu cầu đạt số điểm nhất định từ việc biên soạn sách, tuy nhiên số điểm này có phân tầng theo từng lĩnh vực nghiên cứu.

Cụ thể, ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực khoa học sức khỏe phải có ít nhất 3 điểm công trình khoa học tính từ việc biên soạn sách phục vụ đào tạo, trong đó có ít nhất 1,5 điểm tính từ việc biên soạn giáo trình hoặc sách chuyên khảo. Ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao phải có ít nhất 5 điểm công trình khoa học tính từ việc biên soạn sách phục vụ đào tạo, trong đó có ít nhất 2,5 điểm tính từ biên soạn giáo trình hoặc sách chuyên khảo.

Đặc biệt, quy định mới cho phép ứng viên sử dụng điểm quy đổi từ các bài báo khoa học để thay thế điểm viết sách. "Ứng viên không đủ số điểm quy định tại khoản này thì được thay thế bằng điểm quy đổi từ các bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế", quyết định số 37 nêu.

Phân công cụ thể nhiệm vụ của từng hội đồng giáo sư các cấp

Quyết định mới quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư các cấp. Đây là điều chưa được tường minh tại quyết định 174, khiến trình tự xét hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh bị bất cập, chồng chéo.

Cụ thể, nhiệm vụ của hội đồng cơ sở theo quy định mới là: "Mỗi thành viên có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ; các văn bản sao chụp; thâm niên đào tạo và các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên và viết phiếu thẩm định có ký tên, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng hồ sơ". Căn cứ vào phiếu thẩm định, hội đồng sẽ quyết định danh sách ứng viên đủ điều kiện để trình bày báo cáo khoa học tổng quan và nghe ứng viên báo cáo, có trao đổi trực tiếp, công khai về nội dung báo cáo.

Hội đồng cấp cơ sở phối hợp với cơ sở giáo dục đại học tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh của ứng viên. Hội đồng sau đó sẽ thông qua danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn để đề nghị hội đồng cấp nhà nước xét công nhận.

"Hội đồng giáo sư cơ sở có từ 9 đến 15 thành viên. Để có đủ số lượng thành viên, cơ sở giáo dục đại học có thể mời giáo sư, phó giáo sư ở trong và ngoài nước tham gia hoặc có thể liên kết với cơ sở giáo dục đại học khác để thành lập hội đồng giáo sư cơ sở", quy định nêu.

Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành có nhiệm vụ là "giúp hội đồng giáo sư nhà nước xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành". Mỗi hồ sơ đăng ký vẫn được ít nhất 3 giáo sư cùng ngành/chuyên ngành khoa học thẩm định, có ký tên, nhận xét năng lực... Tuy nhiên, điểm mới trong trình tự xét tại hội đồng này là sau khi thảo luận chung về hồ sơ, mỗi thành viên sẽ viết bản nhận xét có ký tên, nêu rõ điểm mạnh - yếu về chuyên môn của ứng viên và kết luận ứng viên có đủ hoặc không đủ đạt điều kiện để được công nhận.

Hội đồng giáo sư nhà nước sau khi nghe chủ tịch hội đồng giáo sư ngành/liên ngành báo cáo kết quả xét và trả lời chất vấn, sẽ xem xét và thông qua danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư, theo đề xuất của hội đồng ngành/liên ngành.

Tiêu chuẩn thành viên hội đồng giáo sư

Thành viên hội đồng giáo sư nhà nước, ngành/liên ngành và cơ sở đều được yêu cầu có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao. "Có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên hội đồng", quy định tiêu chuẩn khoa học của các thành viên.

Thành viên hội đồng giáo sư nhà nước được yêu cầu phải có chức danh giáo sư, của hội đồng cấp ngành/liên ngành và cấp cơ sở có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Những người này đều phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Công khai kết quả xét duyệt của hội đồng các cấp

Hình thức bỏ phiếu tín nhiệm ở hội đồng giáo sư các cấp để xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư vẫn được giữ như quyết định 174 (năm 2008). Tuy nhiên, theo văn bản mới các kết quả xét duyệt của những hội đồng này sẽ được công khai.

Cụ thể, chủ tịch hội đồng giáo sư cơ sở sẽ tổ chức tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư rồi công bố trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học, báo cáo kết quả với người đứng đầu cơ sở này. Sau công khai ít nhất 15 ngày, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học sẽ báo cáo kết quả xét duyệt lên hội đồng giáo sư nhà nước.

Kết quả xét duyệt của hội đồng giáo sư ngành/liên ngành trước khi báo cáo lên hội đồng cấp nhà nước cũng được công khai ít nhất 15 ngày trên trang thông tin điện tử của hội đồng giáo sư nhà nước. Nội dung công bố gồm tổng điểm và điểm quy đổi của: bài báo khoa học, sách chuyên khảo, giáo trình, sách tham khảo, sách hướng dẫn; kết quả ứng dụng khoa học công nghệ được cấp bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.

Nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là 5 năm

Việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, vẫn do cơ sở giáo dục đại học thực hiện. Tuy nhiên, nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ là 5 năm. Kết thúc nhiệm kỳ, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học tổ chức rà soát, đánh giá theo các quy định về cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm, để quyết định việc bổ nhiệm lại.

"Hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn, nếu ứng viên không được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học thì quyết định này hết hiệu lực", quy định mới nêu.

Quyết định 37 có hiệu lực từ ngày 15/10.

giao su phai co it nhat ba bai bao khoa hoc quoc te Kết thúc rà soát tiêu chuẩn giáo sư vào cuối tháng 3

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định ứng viên nào không đáp ứng đủ điều kiện giáo sư, phó giáo sư thì không công nhận, ...

giao su phai co it nhat ba bai bao khoa hoc quoc te Loại bỏ đặc quyền sẽ xóa được \'lạm phát\' giáo sư

Trở thành giáo sư mức lương tăng gần gấp đôi, nhiều quyền lợi khác cũng tăng nên nhiều người tìm mọi cách đạt được.

/ VnExpress