Đã có hàng ngàn giáo viên (GV) trên khắp cả nước trong 2 năm qua bị cắt hợp đồng, phải rời mái trường trong nỗi buồn vô hạn.

Học trường sư phạm, có được một chỗ làm sau khi tốt nghiệp đã là vui, được đứng trên bục giảng càng là hạnh phúc lớn. Họ đến với nghề hoặc từ trúng tuyển trong các kỳ thi viên chức GV hoặc được xét ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Theo thời gian, có nhiều người được vào biên chế, thành viên chức giáo dục, có người cứ gia hạn HĐLĐ và có người bị chấm dứt HĐLĐ, không được tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Về chế độ HĐLĐ đối với GV, hầu hết các địa phương có cách thức này đều triển khai ở cấp huyện. Chẳng hạn ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện đã ban hành quyết định về việc ký HĐLĐ với GV và giao hiệu trưởng chịu trách nhiệm ký HĐLĐ, kinh phí trả lương do nhà trường tự cân đối ngân sách được giao. Trường hợp tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, do ngân sách không bảo đảm trả lương, phụ cấp và đóng bảo hiểm cho GV hợp đồng nên ngày 21-1-2017, hiệu trưởng mời 14 GV hợp đồng để thỏa thuận lại HĐLĐ. Trong đó có 9 GV đồng ý ký lại HĐLĐ, 5 GV không đồng ý ký lại HĐLĐ nên không tiếp tục được bố trí giảng dạy tại trường.

Chỉ riêng huyện Krông Pắk đã khoảng 600 GV hợp đồng và huyện đang làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ với họ. Trên phạm vi cả nước, số GV thuộc diện này là rất đông và gần đây, nhiều người phải rời bục giảng kéo theo bao hệ lụy, buồn phiền.

Việc các địa phương mở ra chế độ HĐLĐ, tiếp nhận họ làm GV là chủ trương đầy thiện ý, đem lại kết quả tích cực không thể phủ nhận. Chủ trương này giúp cho hàng ngàn GV có chỗ làm, được đứng trên bục giảng. Nhưng quá trình thực hiện có nơi làm chưa đúng như tuyển ồ ạt, bất cập trong tuyển dụng (chỗ thiếu vẫn thiếu mà chỗ thừa lại quá thừa), là kẽ hở để tiêu cực phát sinh, để không ít người trục lợi...

GV bị chấm dứt HĐLĐ là những người không có lỗi, nếu có chỉ là "lỗi" yêu nghề giáo mà thôi. Họ chấp nhận sống đời thanh bạch để đứng trên bục giảng, vui buồn với học sinh. Mang tố chất nhà giáo nên họ hiền lành, đầy tự trọng trong ứng xử khi bị mất việc, họ cam chịu nhiều hơn những nhóm ngành nghề khác trong xã hội khi gặp chuyện tương tự. Nay họ phải chuyển tạm nghề khác để sống trong khi chờ cơ hội trở lại bục giảng với người còn trẻ, khỏe và mãi rời xa nghề giáo với người tuổi đã cao.

Lỗi của ai làm sai trong việc này cũng cần chỉ rõ, những trường hợp nào có dấu hiệu tiêu cực thì phải xem xét, có đủ bằng chứng sai phạm thì phải xử lý. Không chỉ UBND các cấp huyện, tỉnh và ngành giáo dục mà lẽ ra ngành nội vụ, cơ quan thanh tra, hệ thống giám sát của các địa phương phải thấy sai, tuýt còi từ đầu thì sẽ không có cảnh GV dạy cả chục năm, đang yên ổn việc làm, đời sống nay bị đẩy ra khỏi trường. Đã chấp nhận sống thanh đạm, chấp nhận những thua thiệt khác để đổi lấy danh phận làm thầy, nay mất tất cả, ai trả lại cho họ? Một lời xin lỗi, một khoản trợ cấp, đều không dễ xóa đi nỗi buồn sâu thẳm của cả một đời người.

giao vien mat viec do ai Vụ 500 giáo viên sắp “ra đường”: Chủ tịch huyện ký bừa không thể vô can

Chưa nguôi vụ giáo viên phải quỳ gối, giáo dục lại “dậy sóng” trước tình cảnh hơn 500 giáo viên tại Krông Pắk (Đắk Lắk) ...

giao vien mat viec do ai Giáo viên quỳ, “bỗng dưng” mất việc: Xin lỗi, ai giỏi muốn vào sư phạm?

Với tình cảnh giáo viên quỳ xin lỗi phụ huynh ở Long An và hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) do ...

/ https://nld.com.vn