Với tình cảnh giáo viên quỳ xin lỗi phụ huynh ở Long An và hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) do bị “lỡ tuyển” mà “bỗng dưng” mất việc, thử hỏi, học sinh giỏi nào dám mạo hiểm chọn vào ngành Sư phạm?
Ảnh minh họa.
Bản thân tôi mới đầu đọc dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy của bộ GD&ĐT đã khấp khởi vui mừng.
Tuyệt vời! Thế hệ con cái chúng ta sẽ bớt lo về những giáo viên đứng lớp chỉ với tổng đầu vào 9 điểm. PV mảng giáo dục có thể sẽ mất đi số nhuận kha khá từ những bài bàn về chuyện đầu vào sư phạm quá thấp nhưng nhiều thế hệ học sinh Việt Nam sẽ khá lên vì “có bột mới gột nên hồ”, thầy giỏi ắt sẽ có trò giỏi.
Vui mừng chưa nổi nửa ngày, tôi bàng hoàng nhận ra, mình đã vui mừng quá sớm. Bởi mấy ngày gần đây, vô số thông tin quá buồn về nghề giáo nổi lên.
Đầu tiên là vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh ở Bến Lức (Long An). Đúng sai của việc cô giáo quỳ, tôi xin miễn bàn đến vì đã có nhiều ý kiến, bài viết liên quan. Nhưng nó cho thấy, nghề giáo không hề đơn giản.
Ranh giới giữa dạy dỗ và hạ nhục một đứa trẻ thật mong manh. Khoảng cách giữa nghề cao quý và tội đồ với nghề giáo cũng chẳng quá xa. Đó là ở khía cạnh vị trí nghề nghiệp, còn ở mức độ ổn định và thu nhập, nghề sư phạm lại đầy "sóng sánh".
Hơn 500 giáo viên hợp đồng ngắn hạn tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bỗng một ngày nhận được thông báo “chấm dứt hợp đồng” vì họ thuộc diện “đang hợp đồng giảng dạy các môn học không được phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017". Lỗi chắc chắn không phải ở họ, lỗi là ở những người “vượt rào” tuyển họ. Những người liên quan chưa rõ có bị kỷ luật không nhưng mất việc là điều nhãn tiền với hơn 500 người.
Chúng ta vui sao nổi khi thấy tình cảnh này. Và tôi càng có thêm cơ sở chắc chắn là các em học sinh giỏi sẽ không mạo hiểm hay dại gì mà chọn sư phạm. Các em sẽ chọn ĐH Y, ĐH Dược, ĐH Ngoại Thương để ra trường thu nhập tính bằng "đô" mà lại không phải đau đầu chuyện “chạy vạy” để khỏi thất nghiệp.
Xã hội đang thay đổi, nghề y thành dịch vụ và nghề giáo có lẽ cũng dần phải chấp nhận thực tế này. Giáo dục là ngành kinh tế tri thức. Phụ huynh lao động cật lực để nuôi con ăn học, họ cần người thầy đẳng cấp chứ không phải kiểu bắt quỳ hay chửi mắng, dạy dỗ như ban ơn.
Giáo dục cần những người tâm huyết và khai sáng. Và giáo viên là nghề xứng đáng có thu nhập cao chứ không chỉ “ba cọc ba đồng”.
Đến ngày đó, khi thu nhập xứng đáng với công sức, tâm huyết bỏ ra, chẳng cần mời chào, tôi tin các thí sinh đủ năng lực, đam mê sẽ chọn nghề sư phạm.
* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!
Bộ GD-ĐT có “giải cứu” được 500 giáo viên sắp thất nghiệp? Hơn 500 giáo viên huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có thể mất việc là thông tin mới được đưa ra gần đây. Cục Nhà ... |
Hàng trăm giáo viên Đắk Lắk mất việc phải làm đủ nghề để sống Hàng trăm giáo viên ngỡ ngàng khi bị chấm dứt hợp đồng. Để có tiền trang trải cuộc sống sau nhiều năm đứng bục giảng, ... |
Học sinh giỏi mới được thi sư phạm? Với ngành đào tạo giáo viên, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT có quy định riêng về điều kiện tuyển sinh. |