Bất cứ điều gì giúp giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng đều là diễn biến tích cực
Sẽ có một ngày ngoại giao thế vận hội (TVH - Olympic) tỏa sáng, ngay cả khi dưới bóng của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên vừa gặp nhau tại làng Bàn Môn Điếm để thảo luận chi tiết về sự tham gia của Triều Tiên trong Olympic mùa đông trong tháng 2.
Một nữ VĐV khúc côn cầu trên băng Triều Tiên được chúc mừng sinh nhật tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Jincheon (Hàn Quốc) hôm 28-1 Ảnh: REUTERS
Thật vậy, trong lúc các giải pháp quân sự đang được cân nhắc ở Washington, thể thao đang góp phần đẩy mạnh vai trò ngoại giao. Cơ hội mở ra một cuộc đối thoại không chỉ gói gọn trong khuôn khổ TVH mùa đông tại thị trấn nghỉ dưỡng Pyeongchang.
Trong khi đàm phán đạt tiến triển, bài học kinh nghiệm về TVH mùa hè năm 1988 ở Seoul 3 thập niên trước đã được nhắc đến.
Một số người nghiên cứu về TVH mùa hè năm 1988 cho rằng đó là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ. Triều Tiên đề xuất cùng tổ chức sự kiện này, với 50% hoạt động diễn ra ở Seoul và 50% diễn ra ở Bình Nhưỡng.
Sau vài năm thảo luận và đàm phán, hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Với Hàn Quốc, Olympic năm 1988 là một thành công lớn về quan hệ công chúng, đặt nền tảng để kinh tế quốc gia này phát triển và được tôn trọng trên toàn cầu.
Sau khi bị các đồng minh bỏ rơi và không thể đàm phán ngang vai với Hàn Quốc, Triều Tiên tìm cách bảo đảm sự sống còn bằng cách tăng cường vai trò của quân đội và theo đuổi khả năng răn đe hạt nhân.
Giờ đây, các cuộc đối thoại đã mở đường cho đội tuyển taekwondo của Triều Tiên đến Pyeongchang. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn đồng ý cử một phái đoàn quốc gia gồm các vận động viên điền kinh, đội cổ vũ, biểu diễn nghệ thuật, truyền thông và một đoàn đại biểu cấp cao đến Seoul.
Vẫn còn quá sớm để biết được liệu đây là thời điểm tạm nghỉ ngơi giữa các vụ thử tên lửa, cuộc đấu khẩu nảy lửa hay là xu hướng giảm căng thẳng lâu dài hơn trên bán đảo Triều Tiên. Một số nhà phân tích lo ngại Triều Tiên đang có ý định chia rẽ Seoul và Washington. Tuy nhiên, cũng có nhận định rằng bất cứ điều gì giúp giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng đều là diễn biến tích cực.
Thế vận hội và nền chính trị hiện đại từ lâu đan xen với nhau và nếu sự hiện diện của Triều Tiên tại Pyeongchang có thể giúp làm dịu căng thẳng thì điều này đáng được hoan nghênh. Ngay cả khi căng thẳng chỉ tạm thời xuống thang, các nhà lập pháp Mỹ cũng có thêm thời gian xem xét và thảo luận các lựa chọn.
Khác với những gì diễn ra năm 1988, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc lần này công khai bày tỏ mong muốn cho đối thoại một cơ hội. Seoul gọi Olympic mùa đông năm nay là "TVH hòa bình". Đổi lại việc Bình Nhưỡng đồng ý cử phái đoàn đến Pyeongchang, Hàn Quốc đồng ý hoãn tạm thời một số biện pháp trừng phạt nhằm vào nước láng giềng.
Olympic mùa đông ở Pyeongchang đã mang đến cơ hội giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn phải tìm ra cách thoát khỏi môi trường chiến lược hạn chế hiện nay nhằm đạt được lợi ích lâu dài.
Để làm được điều này, ông Moon sẽ phải biến kênh đối thoại tạm thời với chính quyền ông Kim Jong-un và việc tạm ngừng thử hạt nhân, tên lửa thành cuộc đối thoại về hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Song song đó, Seoul cần duy trì sự đoàn kết trong quan hệ liên minh với Washington mà an ninh của Hàn Quốc vẫn còn phụ thuộc.
Nhiều người hy vọng mọi chuyện giờ đây sẽ khác so với năm 1988. Lần này, hai bên đã đạt được thỏa thuận về sự tham gia của Triều Tiên vào Olympic sắp tới.
Các cuộc đối thoại mới có thể mở đường cho nhiều cuộc đàm phán hơn nữa. Không có gì bảo đảm con đường này sẽ dẫn đến đàm phán về phi hạt nhân hóa. Nhưng ngược lại, cũng không có gì bảo đảm Triều Tiên sẽ trở thành đối tượng mà các kế hoạch khẩn cấp, biện pháp trừng phạt hoặc phong tỏa ngoại giao nhắm tới trong thời gian trước mắt.
Triều Tiên chỉ mới có 2 huy chương trong các kỳ TVH mùa đông. Nhưng tinh thần Olympic không phải là giành huy chương hoặc chiến thắng. Như ông Pierre de Coubertin, người sáng lập TVH hiện đại, chỉ rõ: "Điều quan trọng trong cuộc sống không phải là chiến thắng mà là cạnh tranh". Buổi lễ khai mạc ở Pyeongchang có thể đóng vai trò mở cánh cửa dẫn đến một cuộc đối thoại quốc tế quan trọng và sâu rộng hơn nhiều.
Triều Tiên tung hàng trăm tên lửa "khủng" răn đe Mỹ trước ngày khai mạc Olympic Triều Tiên đang có kế hoạch công khai hàng chục tên lửa đạn đạo tầm xa trong cuộc diễu binh ngày 8.2, một ngày trước ... |
Mỹ vừa đánh vừa xoa Nga? Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 29-1 cho biết sẽ không áp đặt tức thì các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào ... |