Rủi ro địa chính trị, dịch bệnh Covid-19, sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu đang khiến giới kinh doanh châu Âu đổ về châu Á tìm “bến đỗ” mới ngoài Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam

Tạo chuỗi cung ứng mới nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc

Đại dịch Covid-19 đã để lại bài học “không nên cho tất cả trứng vào một giỏ”. Khi tất cả đang hăng say đặt toàn bộ khả năng kiếm tiền ở Trung Quốc thì “cơn đột quỵ” trong chuỗi cung ứng toàn cầu phát tác. Chính sách chống dịch “zero-Covid” khiến hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị đóng băng trong thời gian dài. Điều này đã làm lung lay niềm tin của giới đầu tư châu Âu vào Trung Quốc như một địa điểm sản xuất ổn định và đáng tin cậy.

Thêm vào đó, những năm gần đây, mức lương của người Trung Quốc tăng cao khiến nơi đây trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà sản xuất giá rẻ. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu về kinh tế Moody's Analytics, mức lương trung bình hằng năm ở Trung Quốc đã tăng từ 5.400 USD vào năm 2010 lên 14.650 USD vào năm 2020. Về mặt địa chính trị, mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu đã xấu đi kể từ năm 2021, sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bắc Kinh với cáo buộc vi phạm nhân quyền. Bắc Kinh sau đó đã đáp trả bằng các lệnh trừng phạt nhắm một số quan chức EU, đồng thời đóng băng một hiệp ước đầu tư đã được thông qua từ trước.

Trong bối cảnh đó, châu Âu đang tính toán tạo lập chuỗi cung ứng mới nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang nổi lên như “bến đỗ” tiềm năng mới. Ấn Độ là ứng cử viên sáng giá bởi quốc gia này hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, như dân số, lao động, hạ tầng công nghiệp, vị trí địa lý và tốc độ phát triển. Tuy hạ tầng công nghiệp của Ấn Độ phát triển không đồng đều, nhưng có khả năng quy tụ mật độ cao tại các trung tâm công nghiệp. Ở Mumbai, Kolkata có đầy đủ các ngành công nghiệp cơ bản nhất hiện nay: Dệt may, chế tạo máy bay, cơ khí, luyện kim màu, điện tử, hóa chất, công nghiệp thực phẩm, đồ gia dụng. Nơi đây có thể tổ chức sản xuất ở quy mô lớn.

Đơn cử, hệ thống doanh nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ô tô tại Ấn Độ không hề thua kém Trung Quốc - với gần 1.000 công ty đang gia công cho những thương hiệu hàng đầu thế giới như Mercedes, GM, Toyota, Hyundai. Đặc biệt, Ấn Độ sở hữu hạ tầng hỗ trợ kinh tế số thuộc nhóm tốt nhất thế giới, “thung lũng Silicon Bangalore” có hơn 100 công ty công nghệ hàng đầu chọn đặt đại bản doanh, nơi quy tụ gần 30.000 chuyên gia tinh túy nhất của nền công nghệ Ấn Độ.

Theo ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp EU - ASEAN, Đông Nam Á với lực lượng lao động trẻ và am hiểu công nghệ, tầng lớp trung lưu đang phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lợi thế về vị trí địa lý đã khiến khu vực này trở nên rất hấp dẫn đối với các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo một báo cáo gần đây, dòng vốn FDI vào ASEAN đã tăng 42% trong năm 2021 lên 174 tỷ USD. Tỷ trọng của ASEAN trong tiếp nhận dòng vốn FDI toàn cầu đang tăng lên - từ mức trung bình 7% của giai đoạn 2011-2017 lên 11% trong giai đoạn 2018-2019 và tăng lên 12% giai đoạn 2020-2021.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu đang lấy Singapore làm cơ sở để mở rộng ra khu vực. Theo Cơ quan phát triển kinh tế Singapore, 46% trụ sở khu vực châu Á của các công ty được đặt tại Singapore, hoạt động trong một loạt ngành nghề, trong đó có các công ty như công ty tư vấn kinh doanh Capgemini (Pháp), công ty giao hàng thực phẩm và tạp hóa Foodpanda (Đức), công ty tiếp thị và lọc dầu Neste (Phần Lan)...

Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các doanh nghiệp châu Âu

Trong xu thế dịch chuyển chung đó, Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các doanh nghiệp châu Âu. Chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU và thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan, Bỉ cho thấy các nước châu Âu đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời muốn mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghệ, Việt Nam đang tiến lên nấc thang giá trị gia tăng và nhanh chóng trở thành trung tâm quan trọng. Tập đoàn đồ chơi khổng lồ Lego của Đan Mạch đã cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam - nơi được lên kế hoạch trở thành nhà máy trung tính carbon đầu tiên của công ty. Công ty năng lượng lớn nhất của Đan Mạch, Orsted, cũng đã cam kết đầu tư tới 13,6 tỷ USD cho khu trang trại điện gió 3,9 GW rộng lớn ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận của Việt Nam. Các dự án đầu tiên liên quan đến khoản đầu tư này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030.

Ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết: “Hiện có vẻ như các công ty quy mô vừa đang ngày càng nỗ lực gia nhập thị trường Việt Nam hoặc đang đưa các hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc trên phạm vi rộng hơn”. Còn ông Raphael Mok, người đứng đầu khu vực châu Á của Fitch Solutions - một trong ba “ông lớn” xếp hạng tín dụng, cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong phân khúc sản xuất sử dụng nhiều lao động, bắt đầu chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc đại lục đến các quốc gia có chi phí thấp hơn khác trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Lợi thế của Việt Nam là trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng, Việt Nam là một điểm sáng kinh tế hiếm hoi với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã vượt qua được những biến động bất lợi toàn cầu như lạm phát, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu biến động mạnh và cạnh tranh thương mại tăng cao. Mức lương thấp hơn ở Trung Quốc trong khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh, chính phủ thì đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng cũng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, EU và Việt Nam đã phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do vào năm 2020, trong đó có Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thương mại song phương đã tăng từ mức 22,2 tỷ USD của năm 2012 - thời điểm bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) lên 53 tỷ USD vào năm 2021. Lũy kế đến tháng 8-2022, EU có tổng cộng 2.378 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng giá trị 27,59 tỷ USD. Trong đó, tập trung đầu tư ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, kinh doanh bất động sản. Còn lại là các lĩnh vực thông tin và truyền thông, bán buôn, bán lẻ, khai khoáng, vận tải, logicstics…

Tuy nhiên, Việt Nam chưa ngang bằng với Trung Quốc về trình độ học vấn, tay nghề lao động, cơ sở hạ tầng và hậu cần. Vì thế, theo các chuyên gia, để thu hút các nhà đầu tư châu Âu, Việt Nam cần phải cải cách thể chế vì đây được coi là điểm nghẽn trong thu hút FDI của EU vào Việt Nam. Tiếp đó là cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, trong đó có các thủ tục thực hiện khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, cải cách hệ thống tư pháp, cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Tiếp đó là đào tạo nguồn nhân lực bởi lợi thế nguồn lao động giá rẻ sẽ nhanh chóng mất đi khi kinh tế Việt Nam phát triển. Cuối cùng là nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng - yếu tố quan trọng trong việc thu hút FDI của doanh nghiệp EU.

https://www.anninhthudo.vn/gioi-kinh-doanh-chau-au-do-ve-chau-a-tim-ben-do-moi-post526658.antd

Hoàng Sơn