Tàu du lịch chở 34 người đi câu mực bị giông lốc đánh chìm trên biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh, toàn bộ hành khách và thuyền viên được cứu sống sau hơn 10 phút gặp nạn.

Tối 19/7, tàu du lịch chở 30 du khách và 4 thuyền viên bị sóng đánh chìm khi đang câu mực trên vùng biển Thiên Cầm (xã Thiên Cầm, Hà Tĩnh) lực lượng chức năng kịp thời cứu hộ, đưa toàn bộ 34 người vào bờ an toàn sau nhiều giờ vật lộn với sóng dữ.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 19h20 ngày 19/7, tàu du lịch Nguyễn Ngọc do anh Nguyễn Trọng Hoàng làm chủ tàu, bị chìm tại khu vực đảo Bớc, cách bờ biển Thiên Cầm khoảng 0,5 hải lý. Thời điểm bị chìm, trên tàu có 4 thuyền viên và 30 du khách câu mực.

Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Thiên Cầm triển khai lực lượng phối hợp chính quyền xã Thiên Cầm huy động tàu có trọng tải lớn hoạt động gần khu vực tàu chìm để ứng cứu. Mưa to, sóng lớn, lại vào ban đêm, nên việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm này, du khách đều nhảy xuống biển, trú ẩn tại đảo Bớc. Khoảng 00h30 ngày 20/7, khi hết giông lốc, du khách và tàu chìm mới được đưa vào bờ để đảm bảo an toàn.

Trước đó, trận dông lốc trong đêm 19/7 đánh lật thuyền của ngư dân xã Cổ Đàm. Nhận được thông tin, lực lượng chức năng phối hợp tìm kiếm và cứu được 3 ngư dân.

Công an xã Cổ Đàm (tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp tìm kiếm và cứu hộ thành công 3 ngư dân gặp nạn do chìm thuyền và đang tìm kiếm ngư dân còn lại. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Công an xã Cổ Đàm (tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp tìm kiếm và cứu hộ thành công 3 ngư dân gặp nạn do chìm thuyền và đang tìm kiếm ngư dân còn lại. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Cũng do ảnh hưởng của trận dông lốc đêm 19/7, nhiều nhà dân, trường học ở Hà Tĩnh vị gió làm tốc mái, nhiều cây xanh bị gãy đổ. Cụ thể, 19h ngày 19/7, trên địa bàn xã Sơn Giang, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện trận mưa lớn kèm dông lốc. Hậu quả, trận lốc làm tốc mái 8 phòng học ở dãy nhà 2 tầng trường THCS Hải Thượng Lãn Ông.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh nỗ lực cứu hộ thành công 30 hành khách cùng 4 thuyền viên trong sự cố thuyền du lịch bị gió lốc đánh chìm trên biển trong đêm. (Ảnh: Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh)

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh nỗ lực cứu hộ thành công 30 hành khách cùng 4 thuyền viên trong sự cố thuyền du lịch bị gió lốc đánh chìm trên biển trong đêm. (Ảnh: Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh)

Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Giang, thiệt hại do dông lốc gây ra ước tính trên 300 triệu đồng. Ngay sau khi ngưng giông, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng với nhà trường khắc phục hậu quả, hoàn thành trước thời điểm học sinh nhập học.

Trong lúc đó, tại xã Hương Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, mưa dông kèm lốc mạnh cũng khiến 4 nhà dân ở thôn 8 bị tốc mái. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phối hợp cùng các tổ chức và người dân để hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả.

Công an xã Hương Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) và lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở hỗ trợ, giúp người dân có nhà bị tốc mái ngay trong đêm. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Công an xã Hương Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) và lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở hỗ trợ, giúp người dân có nhà bị tốc mái ngay trong đêm. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Không chỉ vậy, mưa to, gió lớn khiến nhiều tuyến đường thuộc các xã/phường như Đức Thọ, Đức Thịnh, Gia Hanh, Mai Hoa, Thượng Đức, Vũ Quang, Cẩm Trung, Thành Sen..., hàng loạt cây xanh lớn bị gió quật ngã, đổ rạp chắn ngang đường, gây ách tắc cục bộ, cản trở việc di chuyển của các phương tiện.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh đang thống kê thiệt hại trận mưa giông kèm lốc kể trên.

Để ứng phó với ảnh hưởng của bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bão lũ.

Giông lốc khiến nhiều cây xanh ở Hà Tĩnh gãy đổ, đè trúng ô tô của người dân. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Giông lốc khiến nhiều cây xanh ở Hà Tĩnh gãy đổ, đè trúng ô tô của người dân. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh) chủ trì phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, UBND các xã, phường ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông báo ngay cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các đơn vị giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; bằng mọi biện pháp khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có bão, mưa lũ để đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra trên biển. Công điện giao Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, người và tài sản hoạt động trên biển.

Lực lượng Công an Hà Tĩnh thực hiện thu dọn các cây bị dông lốc bị gãy đổ ngay trong đêm để đảm bảo an toàn giao thông. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Lực lượng Công an Hà Tĩnh thực hiện thu dọn các cây bị dông lốc bị gãy đổ ngay trong đêm để đảm bảo an toàn giao thông. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Chính quyền các xã, phường được yêu cầu tăng cường cảnh báo thiên tai, kiểm tra, gia cố nhà cửa, công trình công cộng, đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch, vùng nuôi trồng thủy sản, khu vực xung yếu, vùng trũng thấp; đồng thời rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Bảo Hưng / VTC News