Vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My dâm ô hàng loạt nam sinh trong nhiều năm liền ở Thanh Sơn (Phú Thọ) đã làm hé lộ một mảng tối khác trong các trường dân tộc nội trú, bên cạnh góc khuất về sự đông con, đói nghèo...
Cá nhân tôi nghĩ, thà rằng con mình bị hứng 231 cái tát như vụ cô giáo Phương Thủy bạo hành học sinh ở Quảng Bình, còn hơn việc phải chịu nỗi đau, nỗi ám ảnh khủng khiếp từ những người mà đáng ra chúng phải tôn kính.
Bởi, cùng là tội ác, nhưng việc bạo hành thể xác chỉ khiến những nhà sư phạm trở thành những tên “đao phủ trường học”, còn lạm dụng tình dục đang khiến họ bị thoát xác thành con “yêu râu xanh”, những kẻ bệnh hoạn vô nhân tính.
Hiệu trường trường Phổ thông DTNT THCS huyện Thanh Sơn dâm ô hàng loạt nam sinh trong suốt 10 năm liền.
Còn gì giả dối hơn khi Đinh Bằng My từng đăng đàn đọc diễn văn dạy học sinh những kiến thức cơ bản để tự vệ trước nạn xâm hại tình dục, nhưng sau khi trút bỏ bộ mặt kiểu cách sư phạm thì lại nhắn cho cho nam sinh những tin nhắn thô tục đến kinh tởm.
Và không biết có bao nhiêu nam sinh trường Nội trú Thanh Sơn sẽ cảm thấy trào máu nóng khi Hiệu trưởng My trả lời phỏng vấn VTV24: "... Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng đấy là con em của mình thì không bao giờ có chuyện đấy xảy ra”.
Đau lòng thay, vụ việc không phải mới mẻ gì mà đã kéo dài 10 năm, có những em bị lạm dụng tới 17 lần (mỗi lần My đưa học sinh 20.000 – 30.000 đồng), trong đó có cả sự tiếp tay của một số giáo viên.
Khó mà thuyết phục được dư luận tin rằng những giáo viên dưới quyền ông Đinh Bằng My không biết câu chuyện này, sau khi họ đã nhiều lần phải điều nam sinh lên phòng Hiệu trưởng và còn chế giễu các em bằng một câu nói phản sư phạm và thậm chí vô nhân tính: “Hôm nay có được ăn kẹo mút không?”.
.....
Ở một góc khuất khác, chúng ta cần thiết phải xem xét xem điều gì đang diễn ra tại các trường phổ thông nội trú?
Có lẽ ai cũng thừa nhận rằng, đa phần những gia đình có con đi học nội trú đều thuộc diện nghèo và ở địa bàn nông thôn, miền núi xa trung tâm. Nhà nghèo có con đi học nội trú vừa là niềm tự hào vừa đỡ được một miệng ăn, do đó nhiều gia đình phó mặc hoàn toàn sự an toàn của con mình cho trường nội trú, coi đó là nơi trú ẩn an toàn cho con cái và cho chính bản thân mình.
Nhưng sự thật thì thế nào?
Hiện tại, học sinh học các trường PTDT nội trú được hưởng chế độ bằng 80% mức tiền lương cơ sở. (1)
Căn cứ mức lương cơ sở hiện hành là 1.390.000 đồng thì mỗi em học sinh nội trú được Nhà nước trợ cấp khoảng 1.112.000 đồng/tháng, trung bình là 37.000 đồng/ngày, bao gồm ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, chi phí chất đốt...
Lấy ví dụ tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) thì có thể thấy một thực trạng rằng, với chế độ ăn 37.000 đồng/ngày theo quy định hiện hành thì mỗi bữa giá 9.500 đồng ở trường nội trú Chiến Phố là phổ biến. (2)
Chế độ ăn này đạt khoảng 60% năng lượng chuẩn mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo cho học sinh cấp 2.
Vậy mà, nhiều gia đình vì quá đói nghèo vẫn phải coi trường Dân tộc Nội trú như một nơi trú ẩn an toàn của con em mình, để hàng ngày ăn những suất cơm 9.500 đồng và rồi nhận lại 20.000 – 30.000 đồng, số tiền bằng 2-3 suất cơm nội trú.
“Tôi thấy có lỗi với con, nhiều lần con gọi điện về đòi chuyển trường, tôi hỏi vì sao thì con không nói nên chỉ biết động viên con tiếp tục theo học..” – chia sẻ của một phụ huynh nam sinh bị ông My lạm dụng tình dục khiến không ít người nghẹn ngào thương xót.
.....
Và rất vừa vặn, khi vụ việc thầy Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú ở Phú Thọ dâm ô nam sinh đang gây rúng động dư luận thì một sự kiện của ngành Giáo dục mới xảy ra: Hội nghị “Tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018” diễn ra sáng 18/12 tại tỉnh Yên Bái.
Cá nhân tôi tin rằng, biến cố ở Phú Thọ ít nhất có một tác dụng thực tế là làm cho bản báo cáo tổng kết 10 năm kia bớt đi vài cái gạch đầu dòng thành tích và phải thêm vào ít nhất 1 dòng tồn tại.
Theo Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, hiện nay toàn quốc có 315 trường Phổ thông DTNT ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ với 109.245 học sinh nội trú. Trong đó, trường DTNT tỉnh có 59 trường; cấp huyện có 256 trường...
Vì sự an toàn của ngần ấy em học sinh nội trú mà Hội nghị nói trên đã phải dành một thời lượng nhất định để bàn về vấn nạn xâm hại tình dục. Bộ trưởng Nhạ cực lực lên án, hứa hẹn sẽ kiên quyết xử lý.
.....
Nhìn lại câu chuyện bữa ăn 9.500 đồng và 20.000 – 30.000 đồng của Hiệu trưởng Đinh Bằng My, tôi lại xót xa cho hành trình “cõng chữ” của các em học sinh dân tộc nội trú. Ở đâu đây trên khắp 49 tỉnh thành, vẫn còn tới hơn 100.000 em học sinh đang tuổi phát triển sống bằng suất cơm nội trú 9.500 đồng và mòn mỏi chờ tăng lương cơ sở, dù các em cũng chẳng biết lương cơ sở là cái gì.
Bởi, ở những khu vực vùng cao, đôi khi đến suất cơm 9.500 đồng còn bị đe dọa bởi những đợt giá rét kéo dài vì 37.000 đồng/ngày bao gồm cả tiền chất đốt, cơm đôi khi không chín nổi vì củi phải dùng dè sẻn, để dành sưởi ấm những hôm quá rét buốt...
Bài viết là những so sánh buồn. Và khập khiễng.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Thầy cô giáo trường Thanh Sơn không thể vô can! Sự im lặng, bảo vệ, bao che cho cái xấu, cái ác là không thể chấp nhận, nhất là đối với thầy cô giáo - ... |
Khởi tố hiệu trưởng cầm đầu đường dây “không học vẫn được cấp chứng chỉ nghề” Đường dây này chuyên cấp các loại chứng chỉ nghề, chứng nhận mà không cần đào tạo. Đáng nói, cầm đầu đường dây lại chính ... |
Vụ cô giáo bị phụ huynh ép quỳ ở Long An: Hiệu trưởng xin từ chức Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Chánh đã làm bản tường trình, kiểm điểm và xin ý kiến cơ quan cấp trên xin thôi giữ ... |