Đừng để người dân nghĩ rằng, cuối cùng y tế công đã không còn thuộc về người nghèo
Bộ Y tế đang hoàn thiện Dự thảo thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.
Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế..., tối đa 500.000 đồng một lần khám. Các cơ sở y tế khác giá không quá 400.000 đồng một lần khám.
Trường hợp mời các chuyên gia trong hay ngoài nước khám tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Người bệnh vạ vật nằm chờ trong viện Bạch Mai. Ảnh: Dân trí |
Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu tối đa lên đến 4 triệu đồng một ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, mỗi phòng chỉ có một giường và khu tiếp khách riêng. Ở các viện tuyến tỉnh, mức giá giao động từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/giường/ngày.
Giáo sư Phạm Gia Khải – Nguyên viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam – Nguyên Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam cho rằng, với quy định đưa ra mức chi phí khám chữa bệnh và dịch vụ giường nằm của dự thảo ở mức quá cao, ngoài sức chịu đựng của người dân.
Ông Khải nhấn mạnh, y tế, giáo dục là các lĩnh vực đặc thù, mang tính toàn dân, do đó, khi xây dựng các mức phí phải được tính toán dựa trên sức dân. Với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hiện nay mà đưa ra mức phí như vậy là quá cao, không người dân bình thường nào có thể chịu nổi.
"Làm chính sách đừng chỉ ngồi trong phòng lạnh và nghĩ ra một con số trên trời, không thực tế. Chỉ riêng giá điện tăng, người dân đủ lao đao, đủ khốn khổ rồi đừng bắt họ phải chịu khổ thêm nữa.
Dịch vụ y tế cũng như giá điện. Tăng giá là kéo theo cả trăm thứ khác tăng theo", GS Phạm Gia Khải bức xúc.
Một điểm đáng lưu ý vị chuyên gia nhấn mạnh, ở đây là dịch vụ y tế công thì phải ưu tiên phục vụ mục đích công.
"Bệnh viện công vẫn dựa vào ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc, kỹ thuật nhưng lại phát triển nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để thu tiền cao là bất hợp lý.
Điều này vừa tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bệnh viện công và tư vừa không bảo đảm được lợi ích xã hội cho người dân nghèo.
Những người giàu có, nhiều tiền muốn sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao thì nên tới bệnh viện tư nhân.
Bệnh viện công cần tập trung vào mục đích mang tính toàn dân. Đừng để người dân nghĩ rằng, cuối cùng y tế công đã không còn thuộc về người nghèo và bác sĩ chỉ chăm chăm chạy sang khu vực dịch vụ cao để phục vụ người giàu, thu được nhiều tiền hơn, lương cao hơn", GS Phạm Gia Khải nhắc nhở.
Là một chuyên gia vừa làm việc trong môi trường y tế công và tư, GS Phạm Gia Khải đánh giá, mặc dù chi phí của dịch vụ y tế công mỗi ngày một tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại chưa thay đổi tương xứng.
Ông cho biết, ở nhiều bệnh viện tư nhân hiện đã đầu tư máy móc kỹ thuật, đội ngũ y bác sĩ có chất lượng rất tốt, đặc biệt thái độ phục vụ, chăm sóc bệnh nhân thì khác hẳn so với khu vực bệnh viện công.
Trong khi ở bệnh viện công dù vẫn mất tiền nhưng người bệnh luôn gặp phải những phiền toái, thái độ cửa quyền, hách dịch, thậm chí những chi phí phòng bì, cảm ơn còn tốn kém không thua kém dịch vụ tư nhân.
Lỗ hổng thất thoát?
Đề cập tới câu chuyện tự chủ của các bệnh viện công, GS Phạm Gia Khải cho rằng, nếu không có cơ chế quản lý tốt, rõ ràng, minh bạch thì nguy cơ thất thoát, nhập nhèm là rất lớn.
Ông nói rõ, chủ trương chung là hướng đến để các bệnh viện công tự chủ tự chủ. Nếu theo cơ chế này phải để các bệnh viện công lập tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tự trang bị máy móc, tự hoạt động kinh doanh để trang trải kinh phí duy trì bộ máy khám, chữa bệnh và tất cả các chi phí này được kết chuyển vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh và người bệnh phải chi trả toàn bộ, ngân sách nhà nước không cấp kinh phí giống như bệnh viện tư nhân.
Tuy nhiên, với cách thức thực hiện không rõ ràng hiện nay, sự nhập nhèm công tư, hạ tầng đầu tư của ngân sách, dịch vụ thu tiền là do bệnh viện đang tạo ra những kẽ hở lớn, khó kiểm soát.
"Những con số thu chi của bệnh viện là bí mật tuyệt đối. Thậm chí, những con số được công bố cũng chỉ là những con số trên sổ sách, thiếu độ tin cậy.
Nếu như vậy thì làm biết được phần ngân sách đầu tư với phần ngân sách được nhận về có tương xứng hay không? Phần bệnh viện được giữ lại là bao nhiêu? Đầu tư như thế nào? Nếu không cẩn thận đây sẽ lại là một lỗ hổng cho thất thoát, tham nhũng xảy ra", GS Phạm Gia Khải cảnh báo.
Lam Nguyễn
Giá giường dịch vụ ở bệnh viện công tối đa 4.000.000 đồng/ ngày Từ quý 3-2019 tới đây, giá giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công ở Hà Nội, TP. HCM và một ... |
Tăng giá giường bệnh viện tuyến cuối Bộ Y tế vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá một số dịch vụ y tế dự kiến áp dụng ... |
Đưa bệnh viện lên sàn: Viện phí có tăng, "lót tay" sẽ hết? Chủ tịch VAFI – ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng nên cổ phần hóa bệnh viện công song cần có cơ chế đặc thù để ... |