Băng tần di động được coi là “đầu vào” thiết yếu cho doanh nghiệp triển khai mạng lưới và cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Tuy nhiên, vì những vướng mắc từ các quy định pháp luật, kể từ sau khi cấp phép băng tần 3G (băng tần 2.100MHz), đến nay các nhà mạng vẫn chưa được cấp phép băng tần mới, dù đã kinh doanh dịch vụ 4G, thử nghiệm thương mại 5G. Vậy giải pháp nào để sớm cấp phép băng tần cho nhà mạng?

Các nhà mạng vẫn khai thác dịch vụ 4G trên băng tần dành cho 2G, 3G. Ảnh: Châu Anh

Nhà mạng quá tải thuê bao 4G…

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, do triển khai dịch vụ 4G trên băng tần 1.800MHz, 2.100MHz dành cho 2G, 3G, nên từ cuối năm 2018 đến nay, băng tần không đủ cho nhà mạng này phát triển thuê bao 4G. Còn theo Tổng công ty Viễn thông MobiFone, nhiều thời điểm, lưu lượng 4G của MobiFone bị “nghẽn”… Các nhà mạng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm cấp phép băng tần 4G (được quy hoạch ở băng tần 2,3GHz với tần số từ 2.300 đến 2.390MHz), cho mượn băng tần 2,6GHz, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm chất lượng phục vụ khách hàng. Như vậy, kể từ thời điểm cấp phép băng tần 3G thông qua hình thức thi tuyển (băng 2.100MHz) năm 2009, đến nay đã 13 năm, cơ quan quản lý chưa cấp phép thêm băng tần mới, đồng nghĩa nhà mạng không có băng tần chuẩn cho 4G và 5G.

Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Thái Hòa lý giải, sau khi được cấp phép băng tần cho mạng 3G, trong khoảng 6-7 năm, doanh nghiệp viễn thông không có nhu cầu sử dụng thêm băng tần và tập trung nguồn lực để triển khai mạng 3G. Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập hội đồng để đấu giá sử dụng băng tần. Tuy nhiên, năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu và phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Bởi vậy, tiến trình đấu giá bị dừng lại để xây dựng nghị định. Cuối năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/ 2021/NĐ-CP quy định về tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Tuy nhiên, giá khởi điểm, mức thu cơ sở quy định tại Nghị định số 88/2021/NĐ-CP cần tiếp tục hoàn thiện để sát với thực tế. Thêm nữa, dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi (đang trình Quốc hội, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 10-2022) cũng cần làm rõ một số nội dung, như khi nào đấu giá, khi nào thi tuyển để việc áp dụng được tường minh, thuận lợi. Hiện nay, việc chuẩn bị đấu giá băng tần 2.300MHz đang được tiến hành, dự kiến cuối năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể tổ chức để cấp phép băng tần 4G này cho nhà mạng.

Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, tháng 3-2022. Ảnh: Minh Thành

Sớm đấu giá băng tần mới

Đại diện MobiFone cho rằng, do vướng mắc từ các quy định pháp luật chưa thể giải quyết nhanh được, cơ quan quản lý nên chọn hình thức cấp phép băng tần 4G qua thi tuyển (như từng áp dụng cấp phép cho băng tần 3G). Đồng tình với phương án đấu giá hoặc thi tuyển, Trưởng ban Công nghệ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Như Thông cũng nêu ý kiến, dù chọn phương thức nào, mục tiêu chung vẫn là lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực để triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ viễn thông hướng tới người dân, thúc đẩy triển khai công nghệ mới và cạnh tranh lành mạnh trong thị trường viễn thông. 

Trả lời về lựa chọn hình thức cấp phép băng tần mới, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa thông tin, Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định 3 hình thức cấp phép: Đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp. Trong đó đấu giá, thi tuyển áp dụng đối với băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao và nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ; cấp trực tiếp áp dụng đối với những trường hợp còn lại.

“Cấp phép thông qua đấu giá là cách phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng; doanh nghiệp cạnh tranh về giá để được tiếp cận quyền sử dụng đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao. Về lâu dài, việc cấp quyền sử dụng tần số thông qua đấu giá sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, là một biện pháp hiệu quả, khách quan cho phép lựa chọn các doanh nghiệp có thực lực và sử dụng tài nguyên hiệu quả”, ông Lê Thái Hòa nói.

Còn đối với phương thức cấp phép không thông qua đấu giá (thi tuyển, cấp trực tiếp), có nhược điểm là doanh nghiệp sau khi có giấy phép có thể không triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ như cam kết làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Tuy nhiên, hai phương thức này vẫn cần thiết phải duy trì khi Nhà nước cần tác động trực tiếp vào thị trường hoặc khi cần thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội…

Theo đại diện Tập đoàn VNPT, doanh nghiệp rất mong muốn sớm hoàn thành quy hoạch băng tần sử dụng cho thông tin di động. Theo kinh nghiệm thế giới, các quốc gia thường tổ chức đấu giá đồng thời nhiều băng tần để doanh nghiệp có thể lựa chọn băng tần phù hợp với chiến lược phát triển của mình. Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ, VNPT mong muốn sớm tổ chức đấu giá bảo đảm quyền bình đẳng, cạnh tranh cho các nhà mạng để giữ vững thị trường viễn thông như hiện nay.

Còn theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng, nhu cầu về sử dụng dữ liệu tốc độ cao là rất lớn, qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, rất mong muốn  cơ quan quản lý nhanh chóng tổ chức đấu giá tần số 4G, 5G để nhà mạng sớm có tần số phục vụ khách hàng, đặc biệt là tần số  cho 5G. Vì việc cấp phép sớm tần số giúp nhà mạng có cơ sở để tiến hành các thủ tục đầu tư mua sắm thiết bị phát triển mạng lưới...

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1041249/go-vuong-cap-phep-bang-tan-moi

 

Việt Nga / HNM.com.vn