Vì sao bội chi ngân sách kéo từ năm này sang năm khác, vì sao chi thường xuyên năm nào cũng vượt xa so với dự toán? Hồi đầu tuần, trong một cuộc trò chuyện với một chuyên gia kinh tế, vị này nói với phóng viên, bộ máy nhà nước cồng kềnh vì thế tạo sức ép lớn đối với ngân sách và đầu tư cho phát triển. Vì thế cần những chuyển động tích cực hơn, cụ thể là phải làm gọn bộ máy, giảm đầu mối.

Kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” của Quốc hội vừa được đưa ra với các điểm đáng lưu ý: tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị tăng.

Rõ ràng là câu chuyện bộ máy hành chính cồng kềnh, các cơ quan nhà nước phình to khó kiểm soát cùng áp lực chi ngân sách đang là bài toán cần giải quyết. Ủy viên Bộ Chinh trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng đưa ra số liệu: biên chế không giảm mà tăng, làm cho chi tiêu thường xuyên cũng tăng lên, con số tương đối là 62,3% năm 2015; 65,7% năm 2016 và dự kiến năm 2017 là 64,9%.

Riêng năm 2017, nếu tiết kiệm chi được 1%, có trên 10.000 tỉ và năm 2018, tiếp tục tiết kiệm chi 1%, ta có trên 10.000 tỉ nữa. Như vậy, có trên 20.000 tỉ đồng”. Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Muốn làm việc này tôi nghĩ chúng ta phải giảm đầu mối và giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”.

Nhưng cắt giảm đầu mối như thế nào, và cơ quan nào sẽ tiên phong vì tâm lý ngại va chạm luôn thường trực, cơ quan nào muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại để thuận bề làm việc theo nếp xưa. Đó là chưa kể đến việc nhiều cơ quan, tổ chức lợi dụng việc này để trù dập, loại ra những người không “hợp cạ”.

Trở lại với một câu chuyện thực tế đang hiện hữu, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công thương. Điểm đáng chú ý trong Nghị định 98 của Chính phủ là các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương được sắp xếp, thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị.

Theo đó cơ quan này sẽ có nhiều thay đổi trong bộ máy. Tổng cục Năng lượng không còn được giữ lại, thay thế vào đó là các đơn vị mới như Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Vụ Tài chính và Vụ Đổi mới DN sáp nhập thành 1 vụ là Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp. Vụ Công nghiệp nặng và Vụ Công nghiệp nhẹ cũng không còn tách riêng mà đã là 1 Cục là Cục Công nghiệp...

Không phải là đơn vị chỉ định tiên phong, nhưng việc điều chỉnh cơ cấu bộ máy để từ đó nâng cao hiệu quả làm việc là những động thái đáng ghi nhận từ Bộ Công thương. Đó là những chuyển động tích cực.

Bộ Công thương trong thời gian vừa qua cũng chính là cơ quan có những đợt “ra quân” mạnh mẽ trong việc cắt gọn các thủ tục hành chính. Một cơ quan sau nhiều năm trì trệ và dựng “hàng rào” trong các lĩnh vực kinh doanh đã bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục phức tạp khác theo yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ ưu tiên hàng đầu- đó là điều rất dũng cảm, rất đáng quý. Cơ quan này đã sửa đổi một số quy định về kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may tại cửa khẩu; sửa đổi danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn; sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng; đơn giản hóa thủ tục khai báo hóa chất. Thực tế đã và đang diễn ra cho thấy không ai có thể phủ nhận được rằng, Bộ Công thương đã làm được nhiều việc khi thu gọn đầu mối bảo đảm sự linh hoạt của bộ máy. Đó chính là sự đột phá.

Hiện nay, nhiều bộ, ngành, các đầu mối được chia rất nhỏ với nhiều nấc thang, việc chỉ đạo điều hành luôn trong tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, quyền hạn chức năng bị chồng chéo. Vì vậy việc Chính phủ ban hành Nghị định 98 là hoàn toàn hợp lý. Song, đã thay đổi thì phải quyết liệt, không thể nửa vời, bỏ tổng cục này lại thêm tổng cục khác, bỏ vụ/cục này, lại xin thành lập vụ/cục khác. Vì thế, những động thái đang diễn ra tại Bộ Công thương phải được xem là chỉ dấu tích cực, cần được nhân rộng. Hy vọng từ đây sẽ có thêm những Bộ, ngành khác tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả công việc, giảm số “công chức cắp ô” sáng đi tối về.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/gon-bo-may-giam-dau-moi-377431

Theo Thúy Hằng/daidoanket