Không chỉ bổ sung phương tiện vận tải công cộng mới, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (Tập đoàn Vingroup) đang nỗ lực góp phần cùng Thủ đô kiến tạo giao thông xanh, thân thiện với môi trường.
Hình ảnh những chiếc xe buýt điện, với màu xanh lá, lăn bánh trên nhiều tuyến phố đang dần trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Không chỉ bổ sung phương tiện vận tải công cộng mới, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (Tập đoàn Vingroup) đang nỗ lực góp phần cùng Thủ đô kiến tạo giao thông xanh, thân thiện với môi trường.
“Ghi điểm” ngay từ những ngày đầu
Trong tháng 12-2021, VinBus đã liên tục đưa 3 tuyến buýt điện hòa mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Đó là các tuyến E03 (Khu đô thị Ocean Park - Mỹ Đình), E05 (Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City) và E01 (Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park). Đây là 3/9 tuyến buýt điện thí điểm được Hà Nội đặt hàng VinBus cung cấp dịch vụ trong năm 2021, kết nối các khu vực đông dân cư, các điểm trung chuyển xe buýt lớn cũng như tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Rất nhiều hành khách đã bày tỏ thiện cảm với loại hình buýt mới này ngay từ lần đầu tiên sử dụng dịch vụ. “Tôi đã trải nghiệm tuyến xe buýt điện ngay trong ngày đầu đưa vào hoạt động. Hành khách lên xe được nhân viên phụ xe chào hỏi, hướng dẫn chu đáo. Mỗi khi ra - vào bến, sau khi hành khách ổn định vị trí hoặc xuống bến, xe mới bắt đầu di chuyển. Quá trình sử dụng dịch vụ, tôi thấy thuận tiện nên đã đi buýt điện thay thế phương tiện cá nhân” - anh Lê Quý Dũng (Khu đô thị Ocean Park, huyện Gia Lâm) nhận xét.
Cùng với hình thức xe đẹp và hiện đại, thái độ phục vụ của nhân viên lái xe, bán vé chính là “điểm cộng” trong mắt hành khách. Nhiều hành động đẹp của nhân viên xe buýt Thủ đô nói chung và nhân viên VinBus nói riêng đã liên tục được lan tỏa, được đông đảo người dân ghi nhận. Tính từ ngày 2-12 (ngày tuyến buýt điện đầu tiên hòa mạng lưới vận tải hành khách công cộng Thủ đô) đến nay, đã có 27 lượt cán bộ, nhân viên VinBus trả lại hành khách tài sản có giá trị bỏ quên trên xe.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương cho biết, kết quả hoạt động của những tuyến buýt điện đầu tiên ở Thủ đô khá ấn tượng. Thống kê từ ngày 2 đến 23-12 cho thấy, VinBus đã vận hành tổng cộng 2.560 lượt xe, phục vụ 19.980 hành khách sử dụng vé lượt. Có 415 người đăng ký vé tháng 1 tuyến, trong đó đông nhất là tuyến E03 với 286 hành khách.
“Sản lượng vé lượt của buýt điện cao nhất toàn mạng lưới buýt của Thủ đô trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng giới hạn 20 người/xe tại một thời điểm” - ông Thái Hồ Phương nói.
Điểm sáng của giao thông đô thị
Việc chính thức đưa vào hoạt động 3 tuyến xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam vừa qua là cột mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội và nỗ lực của Tập đoàn Vingroup nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến trải nghiệm xanh, tiện nghi cho người dân.
Loại phương tiện này sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải, di chuyển êm, mang lại cho hành khách sự thoải mái. Đặc biệt, xe buýt điện VinBus còn hội tụ nhiều công nghệ hiện đại, tính năng vượt trội và độ an toàn cao như: Hệ thống tự động kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn; chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống, phù hợp với người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai; trang bị wifi miễn phí, màn hình giải trí và hệ thống camera an ninh kiểm soát hành trình... Một điểm mới của xe buýt điện là hành khách có thể sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ do các ngân hàng Việt Nam phát hành.
Để hệ thống vận hành ổn định, an toàn, VinBus cũng đã đưa vào hoạt động các khu depot gồm văn phòng điều hành, xưởng bảo dưỡng, bãi đỗ xe, các trạm sạc điện, các khu đón trả khách... đặt tại Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm) và Khu đô thị Ocean Park (huyện Gia Lâm). Theo Phó Tổng Giám đốc VinBus Nguyễn Văn Thanh, phần mái được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời, bảo đảm cung cấp năng lượng cho hoạt động của depot. Tất cả xe của VinBus sẽ được quản lý vận hành thông minh thông qua việc theo dõi tập trung, sạc, kiểm tra an toàn, bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh tự động tại các trạm depot.
Ngoài 3 tuyến buýt nói trên, trong năm 2022, VinBus sẽ mở thêm 6 tuyến mới. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, mục tiêu trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 là nâng tỷ lệ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch lên 5-20%. Hiện thành phố có gần 70 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, đạt tỷ lệ khoảng 6%. Trong năm tới, với việc thêm 6 tuyến buýt điện được đưa vào khai thác, tỷ lệ xe buýt sạch được nâng lên hơn 16%.
“Các tuyến xe buýt điện, với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, đánh dấu bước phát triển mới của mạng lưới xe buýt Thủ đô. Đây cũng chính là một điểm sáng của giao thông đô thị Thủ đô năm 2021, tạo ra bước ngoặt trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông xanh” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá.
Thêm một tuyến xe buýt điện VinBus hoạt động tại Hà Nội Từ ngày 20/12, VinBus đưa tuyến xe buýt điện E01 với lộ trình Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park vào vận ... |
Xe buýt điện VinBus chính thức tham gia mạng lưới vận tải công cộng Hà Nội Ngày 02/12/2021, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus chính thức đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện đầu tiên tại ... |
Xe buýt điện VinBus bắt đầu hoạt động ở Hà Nội Ngày 2/12, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện đầu tiên tại VN kết ... |