Từ ngày mai (10-5), Grab Việt Nam cho biết sẽ chính thức triển khai phiên bản thử nghiệm dịch vụ GrabFood tại TP HCM, cho phép khách hàng đặt thức ăn từ nhà hàng, quán ăn gần họ thông qua ứng dụng Grab.
Trong thông cáo báo chí phát ra ngày 9-5, Grab Việt Nam cho biết ngoài các dịch vụ đặt xe công nghệ, đơn vị này bắt đầu mở thêm loại hình giao nhận thức ăn (GrabFood) tại TP HCM, sau khi đã triển khai tại Jakarta (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan).
Phiên bản thử nghiệm dịch vụ GrabFood bắt đầu triển khai từ ngày mai (10-5) ở 5 quận trên địa bàn TP HCM, gồm quận 1, 3, 7, Bình Thạnh và Tân Bình, cho phép khách hàng đặt món ăn trong danh mục các nhà hàng, quán ăn ở gần họ.
Theo đó, khi đặt món ăn trên GrabFood, ứng dụng Grab sẽ tự động định vị vị trí khách hàng để đề xuất danh sách các nhà hàng, quán ăn để người dùng lựa chọn. Việc đặt món không yêu cầu đơn hàng tối thiểu, có nghĩa khách hàng được đặt tất cả các món ăn trong danh mục của nhà hàng, có thể chỉ là 1 ly trà.
Khi đặt món, người dùng có thể sử dụng tính năng GrabChat để trao đổi với tài xế về bất kỳ ghi chú nào cho món ăn (ví dụ món không cay, hoặc có thể nhắn tin cho tài xế tới khi hoàn tất khâu thanh toán). Khách hàng cũng có thể theo dõi vị trí của tài xế trên ứng dụng Grab theo thời gian thực.
Khi thanh toán, khách hàng trả tiền mặt bằng giá trị món ăn (đã hiển thị trên ứng dụng lúc đặt món) và phí vận chuyển của tài xế. Khách hàng có thể đặt tất cả món ăn, từ chuỗi nhà hàng lớn đến các cửa hàng ăn uống nhỏ lẻ nằm trong danh mục hiển thị ở ứng dụng.
Hiện nay, dịch vụ chủ lực của Grab vẫn là kết nối di chuyển các dịch vụ đặt xe công nghệ |
Theo Grab Việt Nam, đơn vị sẽ đưa thêm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (GrabPay), giúp thanh toán trực tiếp liền mạch hơn và khách hàng cũng có thể tích lũy điểm thưởng cho mỗi đơn hàng.
Grab Việt Nam cũng cho biết sẽ triển khai phiên bản ứng dụng dành riêng cho các đối tác kinh doanh của mình (là các cửa hàng, quán ăn), giúp những nhà hàng này cập nhật thông tin để những người muốn sử dụng dịch vụ được thuận tiện lựa chọn. Ví dụ như cập nhật giờ mở cửa, số chỗ còn trống, thực đơn thay đổi, thông tin nếu doanh nghiệp muốn đóng cửa sớm hơn vào một số thời điểm nhất định trong ngày...
Dịch vụ GrabFood có thể hiểu là trung gian để kết nối và giao nhận giữa khách hàng với những điểm ăn uống.
Theo ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, giao nhận thức ăn là bước mở rộng của dịch vụ kết nối di chuyển mà Grab đang triển khai. Dịch vụ GrabFood được xem là bước tiếp theo trong việc đầu tư vào nền tảng ứng dụng Grab, hướng tới xây dựng thêm nhiều loại hình khác chỉ thông qua một ứng dụng như thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ tài chính...
Trước đó, sau khi công bố đã mua lại toàn bộ các hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á ngày 26-3, hãng Grab cũng cho biết sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn (Uber Eats) của Uber tại Đông Nam Á vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức hiện có để triển khai.
Sau thương vụ mua bán được xem là lớn nhất khu vực, hãng Grab đã ra nhiều thông điệp khẳng định việc sáp nhập Uber sẽ tạo nhiều thuận lợi cho tài xế và khách hàng, mở ra một giai đoạn phát triển tiếp theo với dịch vụ GrabFood. Tuy nhiên, hiện dịch vụ chủ lực của hãng này vẫn là kết nối di chuyển, vì vậy sau khi Uber "rút lui", nhiều doanh nghiệp vận tải trong nước đang đầu tư mạnh để phát triển công nghệ gọi xe nhằm cạnh tranh với Grab.
Tin-ảnh: G.Minh
Hành khách ở bến xe Miền Đông bị Grabbike ‘chặt chém\' Rất nhiều người xuống xe ở bến xe Miền Đông sáng nay không thể đặt được GrabBike qua ứng dụng. Trong khi tài xế GrabBike ... |
GrabBike dỏm tung chiêu \'chặt chém\' khách Phóng viên đã được những "đàn anh" trong các băng nhóm xe ôm nhận làm "đệ tử" để vào vai GrabBike dỏm "chặt chém" khách ... |