Gu thưởng thức âm nhạc của lớp trẻ ngày một hời hợt, nông cạn khi chạy theo loạt bài hát chẳng nghe ra giai điệu, còn những bản nhạc bất hủ thì không biết đến.

Những lần cộng đồng mạng “phát sốt” lên vì một bài hát mới nào, tôi cũng đều mở nghe, và hầu như lần nào cũng cảm thấy khó hiểu khi bài khá nhất cũng chỉ thuộc hàng “nghe được”. Có những bài không rõ vì sao lại sốt khi giai điệu tầm thường, ca từ nhạt nhẽo vô vị, thậm chí còn chẳng hiểu người ta đang hát gì, muốn truyền tải thông điệp là gì.

Con số triệu view mà những bài hát đó đạt được chỉ sau thời gian ngắn ra mắt khiến người tôn thờ loại âm nhạc có tính nghệ thuật cao như tôi chạnh lòng. Đành rằng, ca khúc có lượng người xem, người nghe lớn như vậy phải chạm đến cảm xúc, thị hiếu của số đông và cũng là kết quả của quá trình lao động sáng tạo. Tuy nhiên, khách quan mà nói, giá trị nghệ thuật của những tác phẩm này chỉ ở mức vừa phải. Nếu so với những ca khúc bản nhạc vượt thời gian, được cả người nghe nhạc lẫn giới chuyên môn thừa nhận về đỉnh cao nghệ thuật, chúng không thể đứng cạnh. Thế nhưng với sự chiếm lĩnh của loại âm nhạc chủ yếu mang tính giải trí, những bản nhạc như ngọc quý, vàng ròng kia dần dần như bị vùi vào lãng quên, bị chìm lấp và ít thanh thiếu niên biết đến.

Gu âm nhạc của lớp trẻ bây giờ sao hời hợt đến thế? - 1

Thanh niên thời nay điên cuồng thích một bài hát triệu view mới xuất hiện, rồi niềm yêu thích đó nhanh chóng phai nhạt để chuyển sang những bài hát triệu view mới liên tiếp xuất hiện, những bài hát có phần nhạc tầm tầm, thậm chí còn chẳng rõ giai điệu. Nhiều ca khúc thị trường có lượng nghe “khủng” vì đội ngũ fan đông đảo bất chấp dở hay, hễ là sản phẩm của thần tượng thì sẽ hò nhau “cày view” đêm ngày để đẩy bằng được lên Top trending. Mà lý do thích một thần tượng âm nhạc nhiều khi lại nằm ngoài âm nhạc, chẳng hạn như vì nhan sắc, vì sự “cool ngầu”, vì ca từ có những câu độc đáo tạo thành hot trend, hoặc vì những tác phẩm thành công trước đó của thần tượng…

Điều đó hoàn toàn khác với cách thưởng thức âm nhạc của thế hệ trước, thế hệ say đắm những ca khúc, bản nhạc vì vẻ đẹp của chính nó, vì những mỹ cảm mà ca từ, giai điệu tuyệt vời đem lại. Nghệ thuật âm nhạc quyết định bài hát, bản nhạc đó có được yêu thích hay không, và chính giá trị đích thực ấy khiến chúng vượt qua các phong trào, xu hướng để trở thành bất hủ.

Thật buồn khi ngọc quý rồi cũng bị vùi trong cát vì cơn lốc thời thượng. Nhạc thời thượng thì thời nào cũng có, nhưng dường như thời nay, gu thưởng thức của giới trẻ tỏ ra dễ dãi hơn bao giờ hết.

Không chỉ chấp nhận những ca khúc ít tính nghệ thuật, họ còn chạy theo phong trào remix mọi thứ. Rõ ràng là thẩm mỹ âm nhạc đang có vấn đề khi bất cứ thể loại gì cũng bị biến thành “nhạc giật”. Hết cái để remix, người ta “đào” cả những tuyệt phẩm quá khứ, cưỡng bức thành nhạc sàn dù chúng không hề phù hợp về thể loại và phong cách. Chúng bị phá hoại và trở nên méo mó, thậm chí biến thành thảm họa.

Làm sao để xu hướng tầm thường hóa gu thưởng thức âm nhạc này dừng lại? Thật khó khi nhịp điệu cuộc sống ngày càng gấp gáp, mọi thứ đều lướt đi rất nhanh và phục vụ những cuộc vui chốc lát.

Chỉ những bạn trẻ, trong chuỗi ngày tháng buộc phải guồng chân theo nhịp điệu điên cuồng của thời đại, dành ra được những khoảng thời gian sống chậm cho suy tư và nghệ thuật, mới có thể tiếp cận vẻ đẹp của âm nhạc đích thực. Phải có nhiều bạn trẻ như thế, kho tàng kiệt tác âm nhạc vô giá chắt chiu trong chiều dài lịch sử mới không bị mai một và phí hoài.

LÂM PHONG

Nhà sản xuất âm nhạc "hổng" chân Nhà sản xuất âm nhạc "hổng" chân
Những sản phẩm nhạc Việt rặt Hàn Những sản phẩm nhạc Việt rặt Hàn

/ vtc.vn