Vào mùa mưa bão, hiện một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đang phải chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng. Đặc biệt, tại Hà Nội, tình trạng ngập úng vẫn là câu chuyện nan giải, cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp nhưng chưa có đáp án.
Đến hẹn lại “lụt”
Mỗi năm cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội bắt đầu vào mùa mưa, cũng là lúc các tuyến phố nội đô lại chìm sâu trong nước. Khiến nhiều phương tiện, đặc biệt là xe máy đi lại khó khăn, những chuyện trôi xe, chết máy ngay “thung lũng nước” là chuyện không hiếm gặp.
Mới đây nhất, ngày 5.8 Hà Nội hứng chịu cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ trút xuống nhiều quận nội thành, khiến nhiều con đường như Nguyễn Quý Đức, Lương Thế Vinh, Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), đường Thái Hà, ngã tư Láng Hạ (quận Đống Đa)... của Thủ đô ngập sâu trong nước, có đoạn ngập quá nửa bánh xe máy. Giữa cơn mưa như trút nước, nhiều phương tiện đã bị chết máy, người tham gia giao thông buộc phải dắt xe đi bộ lội qua đoạn đường nước ngập.
Được biết, năm 2000, UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 550 triệu USD. Theo tiến độ, đến 2005 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên do triển khai chậm, ngoài đội vốn thêm gần 100 triệu USD, đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành (chậm 12 năm). Mùa mưa năm 2017 là mùa mưa đầu tiên sát hạch mức độ hiệu quả của dự án, nhưng dù mưa lớn hay nhỏ, đường Hà Nội vẫn ngập nặng.
Theo ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thoát nước tại các quận nội thành Hà Nội có diện tích 300km2, hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục đã được thành phố phê duyệt.
Về tình trạng úng ngập khu vực nội thành, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.
“Với cường độ mưa năm nay trong khoảng từ 50-100mm/2h các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12 điểm úng ngập. Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố”, ông Thắng cho hay.
Để chủ động ứng phó với sự cố úng ngập trong mùa mưa 2020, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có (hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020).
“Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải toả ách tắc giao thông khi có mưa lớn. Triển khai ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa, điều động toàn bộ nhân lực triển khai công tác thoát nước theo địa bàn được phân công.
Ngoài ra, để người dân có thể nắm bắt tình hình diễn biến các trận mưa, điểm úng ngập trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng cũng đã nâng cấp phần mềm HSDC Maps trên điện thoại thông minh như: cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố”, ông Thắng thông tin.
Lắp đặt thêm các điểm đo mực nước tự động trên sông, hồ
Cũng nói về vấn đề này, ngày 17.8 trao đổi với Lao Động - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - ông Võ Tiến Hùng cho biết: Hiện với những trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h sẽ không xảy ra ngập úng, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống nước gặp sự cố. Tuy nhiên, với các trận mưa có cường độ từ 50 - 100mm/2h, Hà Nội sẽ xuất hiện 12 điểm ngập úng.
Nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại Thủ đô, ngay từ đầu quý I/2020, dù chưa có kết quả đấu thầu công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống thoát nước khu vực hữu sông Hồng, tả sông Hồng, đơn vị đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống ngập úng mùa mưa… theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động cơi nống cống xả nhằm hạn chế ngập úng.
“Cùng với đó, công ty đã yêu cầu các đơn vị khác cũng triển khai các giải pháp duy tu, duy trì, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước. Đồng thời, điều hành hệ thống thoát nước, trong đó, hoàn thiện hồ sơ vận hành, tích hợp được số liệu hiện có, lắp đặt thêm các điểm đo mực nước tự động trên sông, hồ. Thiết lập danh sách tra cứu điểm ngập úng, kịch bản điều hành cho từng tình huống… để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa”, ông Hùng cho hay.
Khu vực Hà Nội tiếp tục mưa to và dông *Mưa lớn trên diện rộng chiều 17.8, làm ngập nhiều tuyến phố Thủ đô. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Khu vực Hà Nội, từ nay đến 19.8 và từ ngày 20-23.8 có mưa vừa, mưa to và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ đêm 19-20.8 có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 24-27.8, có mưa rào và dông vài nơi. Trước đó, cơn mưa lớn trên diện rộng vào lúc 16 giờ ngày 17.8 đã làm ngập úng cục bộ một số tuyến phố nội thành Hà Nội. Theo Cty Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại một số nơi vào thời điểm 16 giờ 40 ngày 17.8 như sau: quận Hai Bà Trưng là 73,8mm; quận Hoàn Kiếm 63mm; quận Đống Đa 54,8mm; quận Ba Đình là 52,7mm. Để đảm bảo việc tiêu thoát nước được nhanh chóng, hạn chế úng ngập, ngay khi có hiện tượng mưa to, công ty đã triển khai bố trí nhân lực thực hiện tua vớt rác tại các miệng hố ga, cống tiêu thoát; lắp đặt biển cảnh báo, hướng dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn. Tốc độ đô thị hoá nhanh nên hệ thống tiêu thoát nước không theo kịp Về giải pháp lâu dài, GS.TS Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi - cho biết, trong thời gian qua Hà Nội đã có rất nhiều cố gắng trong việc cải thiện tình hình mưa ngập. Tuy nhiên thực tế kết quả không được như mong muốn. “Điều đầu tiên cần phải quy hoạch lại các hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội, trên cơ sở đó cân đong đo đếm các hệ thống tiêu thoát đó xem cần cải tạo nâng cấp với quy mô nào và bổ sung công trình mới nào, khi đó mới giải quyết được căn bản tình trạng ngập úng của Hà Nội. Còn cứ làm như hiện nay thì rất khó, Hà Nội đầu tư lớn cho hệ thống tiêu thoát nhưng chưa đủ, chưa kịp” - GS.TS Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi nói về giải pháp giảm ngập úng cho Hà Nội. |
Ảnh: Phố Hà Nội thành sông, ô tô, xe máy bì bõm bơi lội sau trận mưa lớn kéo dài Trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ trút xuống Hà Nội khiến một số tuyến đường ngập sâu, ô tô xe máy bì bõm đi ... |