Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành “điểm nóng” về sốt xuất huyết ở miền Bắc. Dù đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế sự lây lan của sốt xuất huyết từ rất sớm nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn thành phố vẫn đối mặt với không ít khó khăn.

dich-benh.jpg
Cán bộ y tế huyện Hoài Đức kiểm tra các vật dụng có bọ gậy tại một hộ gia đình. Ảnh: Trang Thu

Số ca bệnh, ổ dịch gia tăng

Nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, anh H.V.P (32 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sốt cao lên đến 39,5 độ C, cơ thể mệt mỏi… Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh bị sốt xuất huyết, tiểu cầu hạ còn 11 G/L. Trước đó, dù không có dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết nhưng do khu vực xung quanh nơi làm việc đã ghi nhận nhiều ca bệnh nên khi có biểu hiện sốt, cơ thể mệt mỏi, anh P đã đến bệnh viện khám.

Bác sĩ Vương Trương Trọng, Khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. 6 tháng đầu năm nay, khoa tiếp nhận 98 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó riêng tháng 6-2023 có hơn 10 ca. Tuy nhiên, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7-2023 đã ghi nhận tới 7 ca bệnh phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết hiện nay của Hà Nội nắng nóng và mưa nhiều sẽ tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển và nguy cơ bùng phát dịch nếu không dự phòng tốt.

Tương tự, thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có khoảng 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị nội trú. Đáng lưu ý, gần 2 tuần trở lại đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cảnh báo, sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Do đó, người dân chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà và khi đến bệnh viện đã trong tình trạng nặng. “Một người có thể mắc sốt xuất huyết 2 lần với 2 type khác nhau trong một mùa dịch. Do đó, người đã từng mắc bệnh tuyệt đối không được chủ quan”, bác sĩ Trần Duy Hưng lưu ý.

Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trong năm nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tuy giảm, song đáng lưu ý là tại khu vực miền Bắc, dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp hơn, đặc biệt là Hà Nội - nơi đang đối mặt với nguy cơ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết...

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận từ 130 đến 170 ca sốt xuất huyết/tuần thì đến giữa tháng 7 đã tăng gấp khoảng 2 lần (với 290 ca/tuần). Ngoài ra, ổ dịch cũng tăng gấp 3 lần, từ 7 ổ dịch mới trong tuần 27 (từ ngày 30-6 đến 7-7) đã tăng lên 22 ổ dịch trong tuần 28 (từ ngày 7 đến 14-7). Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong (số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Nguy cơ bùng phát các đợt dịch

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 27 ổ dịch, trong đó ổ dịch có nhiều bệnh nhân nhất với 160 người là xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất; tiếp đến là thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín với 24 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 29 bệnh nhân… Kết quả kiểm tra, giám sát tại các ổ dịch cho thấy một số tồn tại như xử lý ổ dịch muộn, chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu... Đặc biệt, ở những khu vực có mật độ dân cư đông, nhiều khu nhà trọ, ý thức phòng, chống dịch của người dân chưa cao.

Cụ thể, trong quá trình điều tra, các chỉ số giám sát bọ gậy, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, chỉ số BI (Breteau index) có vai trò quan trọng để xác định tình hình. Nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng tại khu vực miền Bắc thì chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên. Thế nhưng, từ ngày 7 đến 14-7, kết quả giám sát tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng như thôn Bàn, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (BI=35); thôn Văn Hội, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (BI=40)…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), khi đến một số nơi, không chỉ có người dân mà ngay cả địa phương cũng tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết một cách nhầm lẫn là khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm… Thế nhưng, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ đẻ trứng ở nơi nước trong, nước sạch. Do đó, để phòng bệnh, người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để tồn tại các vật dụng chứa nước, hoặc để nước đọng trong các xô chậu, chum vại, chai, lọ…

“Thời tiết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều khiến chu kỳ của muỗi phát triển rất nhanh. Dự báo, từ tháng 7 đến tháng 11, thành phố sẽ đối diện với nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch. Do đó, mỗi người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Ngoài ra, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi nhưng người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương. Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

https://hanoimoi.vn/ha-noi-co-nguy-co-thanh-diem-nong-sot-xuat-huyet-635674.html