Hà Nội yêu cầu in khổ lớn quy tắc ứng xử, đóng khung treo ở công sở và thậm chí dán lên bàn làm việc của mỗi công chức. Để làm gì, nếu công chức không tận tụy của một người công bộc từ chính tâm của mình?
TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản tuyên truyền việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ công chức và ở nơi công cộng.
Riêng với quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP, Hà Nội đề nghị triển khai đến từng cá nhân. Bởi thế mới có việc, dán bản quy tắc trên bàn làm việc. Cụ thể hơn, trong văn bản hướng dẫn này còn nêu cụ thể, tùy theo điều kiện, cơ quan sẽ in bộ quy tắc ra khổ lớn, đóng khung, treo bảng ở nơi dễ nhìn để… nhắc nhở cán bộ thực hiện.
Nội quy, quy chế là hết sức cần thiết để lập kỷ cương, trật tự ở một cơ quan, tổ chức. Hoan nghênh Hà Nội vì đã có những ý tưởng tiên phong siết kỷ cương của cán bộ công chức. Thế nhưng, giá như không cần một quy tắc nào cả, người công chức vẫn cứ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một cách thực chất, thì hay biết mấy.
Công chức làm việc tận tụy không nên vì sự ép buộc. Nguồn ảnh minh họa: Internet.
Trong những thông tin trước đây với báo chí, người có trách nhiệm của TP.Hà Nội từng khẳng định, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành hai bộ quy tắc này. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện đến đâu thì thực tế vẫn chưa thể kiểm chứng.
Thiết nghĩ, quy tắc ứng xử nên là điều mà mỗi công chức, viên chức nên tự "nằm lòng" ngay từ khi lựa chọn bước vào cơ quan mà mình gắn bó. Điều đó cũng có nghĩa là, họ cảm thấy được phục vụ nhân dân, được cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước, được rèn luyện và trưởng thành trong môi trường công chức, chứ không phải là một sự bắt buộc nào đó. Làm tròn vai của người công chức phải bằng chính cái tâm của họ chứ không phải sự hô hào, in ấn những con chữ vô hồn rồi treo và để đấy, lấy lệ. Thậm chí, có người cũng… không cần biết.
Trong khi nhiều người vẫn cố gắng tìm kiếm một cơ hội để được làm công chức Nhà nước, thì bản thân một số người đang mang danh công bộc của dân lại dường như không thấy được hết vai trò của mình. Hay họ muốn bỏ qua vì một lý do nào đó? Sắp tới, khi tinh giản biên chế, những người công chức phải cần đến một tấm bảng hiệu để ghi nhớ về những quy tắc, có lẽ cũng nên tự điều chỉnh nếu không muốn mình sớm bị đào thải. Thậm chí, họ có thể chủ động lùi lại để nhường cho những người luôn mong muốn phụng sự, mong muốn cống hiến, mong muốn được làm việc với tất cả tâm huyết.
Mong một người công chức có thể thực thi nhiệm vụ của mình bằng cái tài, cái tâm và sự tự nguyện, chứ không phải vì tờ giấy, vì sự ép buộc, vì một quy tắc. Tất nhiên, như đã nói quy tắc, nguyên tắc là cần thiết trong mỗi cơ quan, tổ chức để giữ kỷ cương, kỷ luật, nhưng không phải vì thiếu những tờ giấy in, dán ở trên mặt bàn mà công chức đó không còn tận tụy. Họ phải vì dân, làm tốt vai trò công bộc bằng lương tri và trách nhiệm.
Chợt nhớ đến quy định công chức mặc quần jeans, áo thun đi làm. Quy định này cũng từng gây nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận xã hội. Kết quả, những nơi lấy ý kiến rồi cũng không thể quyết định, còn những nơi đã có quyết định như TP.Cần Thơ thì sau một thời gian đã phải hủy bỏ quy định cấm công chức, viên chức mặc quần jeans, áo thun đi làm tại công sở.
Chiếc áo không làm nên thầy tu, những khung quy định cứng về cách ứng xử kia dù có in to bản đến đâu, cỡ chữ được bôi đậm hay màu mè đến mức nào… đều không bằng việc, mỗi công chức làm việc từ tâm và được vinh danh trong lòng người dân, được nhận sự tôn kính của họ. Để làm được điều đó, đôi khi đơn giản là bớt đi một thái độ cáu bẳn, bỏ đi một nét mặt lạnh lùng, không để ánh mắt vô cảm xuất hiện, không để thái độ trịnh thượng có cơ hội bùng phát.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Hà Nội đề nghị công chức dán quy tắc ứng xử trên bàn làm việc Quy tắc ứng xử sẽ được in khổ lớn, đóng khung treo ở công sở, dán lên bàn làm việc của cá nhân. |
Quy tắc ứng xử trong trường học: Bỏ ngay kiểu quyền uy, thầy cô là nhất Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, trong quy tắc ứng xử tại trường học mà Bộ GDĐT chuẩn bị ban hành, nhất ... |