Do chất thải từ các nhà máy, trang trại lợn đổ xuống sông, suối nên hàng trăm mẫu ruộng tại thôn Thuần Lương (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đang phải bỏ hoang vì nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của Lao Động, hàng trăm mẫu ruộng tại thôn Thuần Lương (xã Hoàng Văn Thụ) đều trong tình trạng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Gần 1 năm trở lại đây, do nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm nên nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ hoang đồng áng. Ruộng đất lâu ngày không được người dân canh tác càng trở nên tiêu điều, vì cứ khi nào lội xuống là chân tay lại bị kích ứng, mẩn đỏ, nổi bọng nước.
Theo người dân địa phương, do nước thải, chất thải từ các nhà máy và hộ chăn nuôi tại xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã đổ trực tiếp xuống sông suối, làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước nghiêm trọng. Suối Thuần Lương và nguồn nước dẫn ra kênh mương nội đồng cũng vì thế mà đổi màu liên tục.
Nước dẫn ra kênh mương nội đồng có màu đen kịt. Ảnh: Phạm Đông |
Ông Trần Văn Lưu (sinh năm 1963, thôn Thuần Lương) chia sẻ: “Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi chỉ quanh quẩn trong 5 mẫu ruộng, thế nhưng gần 1 năm nay đều bỏ hoang cả. Do ô nhiễm mỗi trường, mỗi lần lội xuống ruộng người dân chúng tôi đều bị mẩn đỏ hết cả chân tay, không thể canh tác nông nghiệp.
Mặc dù sống gần cánh đồng rộng mênh mông nhưng gia đình tôi không dám thả vịt ra đồng vì sợ vịt uống phải nguồn nước ô nhiễm, chết ngả rạ như nhiều hộ dân trong vùng”.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước thường xuyên xảy ra ở thôn Thuần Lương. Ảnh: Phạm Đông - Lan Nhi |
Ruộng đồng bị bỏ hoang vì nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: Phạm Đông - Lan Nhi |
Còn ông C.V.C (sinh năm 1975, thôn Thuần Lương) cho hay, mỗi lần nước đổ về là cá, nguồn thủy sản ở các kênh mương, ao hồ đều chết hàng loạt. Gia đình ông có hơn 4 sào ruộng nhưng cũng bỏ hoang gần 1 năm nay vì canh tác không hiệu quả.
Ông C cho biết, do nguồn nước ô nhiễm, lúa cấy xuống chỉ được 1 thời gian là héo quắt rồi gục xuống, không thể lên nổi. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay sự việc đâu vẫn vào đấy.
Nguồn nước ở các kênh rạch ở địa phương bị biến tính, đổi màu đen kịt. Ảnh: Phạm Đông - Lan Nhi |
Hàng trăm mẫu ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: P.Đ |
Trao đổi với PV, ông Cao Văn Thỉnh - Trưởng thôn Thuần Lương cho biết, vấn đề người dân trong thôn phản ánh là hoàn toàn đúng. Bắt đầu từ năm 2019, nhiều nhà máy, trang trại lợn ở tỉnh Hòa Bình đã xả chất thải trực tiếp xuống sông suối, kênh rạch chưa qua xử lý, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân trong vùng.
Theo ông Thỉnh, chính quyền thôn trong các cuộc họp, giao ban đã kiến nghị nhiều lần lên phòng tài nguyên môi trường huyện Chương Mỹ thế nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Cao Văn Thỉnh thông tin sự việc với phóng viên. |
Cũng thông tin về vấn đề này, ông Lê Hoài Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ chia sẻ, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được người dân địa phương phản ánh trong thời gian dài.
Theo đó, khu vực được cho là nguồn cơ gây ô nhiễm gồm 3 nhà máy: Nhà máy giấy Đông Đô, giày Hồng An, tấm lợp Phúc Đại An và một trang trại lợn của tư nhân. Cuối năm 2019, tỉnh Hòa Bình cũng đã xử phạt công ty giấy Đông Đô vì làm tràn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Khu vực nhà máy, xưởng sản xuất bro-ximăng, giày da, sản xuất giấy được cho là đã xả chất thải trực tiếp ra môi trường. |
Cũng theo ông Thi, địa phương đã nắm được tình hình này và nhiều lần đã báo cáo với UBND huyện Chương Mỹ. Sau đó huyện cũng đã cử nhiều đoàn xuống địa phương kiểm tra vụ việc.
Do nguồn chất thải liên đới đến huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) nên địa phương rất mong phía UBND huyện sớm trao đổi, phối hợp với tỉnh Hòa Bình để yêu cầu kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ việc.
Phạm Đông - Lan Nhi
Hàng trăm hộ dân kêu trời vì ô nhiễm nguồn nước Nhiều năm nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị ảnh hưởng nghiêm ... |
Công ty Việt Nhật có từ bỏ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch? JVE bất ngờ khi PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội nói “JVE đã từ bỏ xử lý sông Tô Lịch” trong khi đang chuẩn bị ... |
Nước đóng bình lấy từ mương nước thải từng được cung cấp cho học sinh tiểu học Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hải Phòng cho biết, trường từng sử dụng nước đóng bình nhãn hiệu Vimass Núi Voi cho học ... |