Từ chiều 7/9 đến ngày 9/9, Hà Nội sẽ mưa to đến rất to, xuất hiện lũ lớn trên sông Tích, Bùi, Cà Lồ... Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội yêu cầu các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức cần tăng cường giải pháp ứng phó lũ rừng ngang.
Huyện Hoài Đức có một số cột điện bị gãy đổ làm mất điện khoảng 2.517 hộ gia đình
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng nay (7/9), trên địa bàn TP Hà Nội đã có mưa to đến rất to kèm giông gió mạnh. Mưa to, gió lớn đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính đến chiều 7/9, đã có 7 người bị thương vong do cây xanh gãy, đổ.
Cụ thể, tại quận Hoàng Mai có 1 người bị chết (chị Lê Thị Tình, sinh năm 1983) và 1 người bị thương (anh Hoàng Sỹ Long, sinh năm 1992). Tại quận Hoàn Kiếm ghi nhận 3 người bị thương và quận Hai Bà Trưng có 2 người bị thương.
Mưa to, gió lớn cũng gây thiệt hại lớn về tài sản. Cụ thể tại quận Hà Đông, 1 xe ô tô 4 chỗ và 1 xe ô tô khách bị hư hỏng do cây xanh gãy, đổ. Trong khi tại quận Hai Bà Trưng cũng ghi nhận 1 xe máy hư hỏng.
Về tình hình cây đổ, cành gãy, đổ, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, hiện đã ghi nhận có 402 cây đổ, cành gãy, trong đó số cây xanh bị đổ là 200.
Tại các địa phương cũng đã ghi nhận nhiều thiệt hại do bão số 3. Đơn cử như tại huyện Hoài Đức, một số cột điện bị gãy đổ làm mất điện khoảng 2.517 hộ gia đình.
Tại thị xã Sơn Tây, 4 cột điện bị đổ, 3 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, 1 chuồng bò bị sập mái. Trong khi tại huyện Thanh Trì cũng bị gãy đổ 1 cột điện, 252 hộ gia đình mất điện (đã được cấp trở lại).
Trước diễn biến khó lường và nguy hiểm của bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội tiếp tục đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội.
Đồng thời với đó, tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động, kịp thời triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ảnh hưởng sau bão.
Sẵn sàng vận hành 2 trạm bơm tiêu úng tại Quốc Oai
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu, sau ảnh hưởng của bão số 3 nên từ ngày 7 đến sáng 9/9, Hà Nội mưa vừa, mưa to đến rất to và dông; thời gian mưa to đến rất to tập trung từ chiều 7/9 đến sáng 8/9; lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi cao hơn 350mm. Từ chiều 9/9, Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to.
Do mưa lớn nên từ hôm nay đến ngày 10/9, trên các sông ở khu vực Hà Nội xuất hiện một đợt lũ với biên độ 1,5-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống ở mức dưới báo động cấp I; sông Đáy ở mức báo động lũ cấp I-II. Đặc biệt, các sông: Bùi, Tích, Cà Lồ... ở mức báo động cấp II-III.
Kết hợp với lượng mưa lớn từ phía tỉnh Hòa Bình đổ về, nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang ảnh hưởng đến địa bàn các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức...
Trước dự báo trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên về ứng phó bão số 3; trong đó tăng cường giải pháp phòng, chống lũ rừng ngang, như: Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các tuyến đường, các công trình đê điều và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sập đổ công trình bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bên cạnh đó, các địa phương nêu trên chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn về người, giảm thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ...
Cũng trong ngày 7/9, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Xuân Đại và đoàn công tác đã đi kiểm tra việc chuẩn bị sẵn sàng vận hành Trạm bơm tiêu úng Cấn Hạ và xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Qua kiểm tra thực tế, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, bão số 3 là siêu bão rất mạnh, có cường độ và sức gió rất lớn, độ rủi ro thiên tai rất cao. Do ảnh hưởng của bão, Hà Nội có mưa liên tục kèm gió to, đề nghị huyện Quốc Oai cần triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bão lụt theo chỉ đạo của Trung ương và TP; kích hoạt các phương án ứng phó với bão ở mức cao nhất.
Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ thông tin về diễn biến của cơn bão, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động trong công tác phòng, chống bão. Triển khai các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm "4 tại chỗ". Bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
Huyện khẩn trương rà soát lại các khu vực xung yếu để sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng. Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng của bão khi cần thiết; sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có vấn đề xảy ra.
Để ứng phó với cơn bão số 3, trong những ngày qua, huyện Quốc Oai đã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư, đặc biệt lưu ý tại các xã: Đông Xuân, Phú Mãn, Đông Yên, Phú Cát, Đồng Quang, Cộng Hòa, nơi có các sườn đồi thấp, sẵn sàng mọi phương án sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Đối với các xã ven đê sông Tích, sông Đáy, như: Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Phú Cát, Sài Sơn, Đồng Quang, Tân Hòa…, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.