Sau nhiều lần cấm, gần đây khu vực đường tàu, tình hình kinh doanh buôn bán và người dân đến đây chụp ảnh lại rộ lên. Thậm chí có trường hợp người dân thấy khách đến chụp ảnh va quệt với tàu chạy qua. Tuy chưa để lại hậu quả đáng tiếc, song đây là tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông ở khu vực này.

Khu vực đường tàu ở chắn đường ngang Trần Phú (Km 0+750) - đoạn đường Phùng Hưng (1+200) thuộc địa bàn hai phường Cửa Đông, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành tụ điểm cà phê thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước đến quay phim, chụp ảnh từ những năm 2018-2019.

Sau nhiều lần cấm, gần đây, tình hình kinh doanh buôn bán và người dân đến đây chụp ảnh lại rộ lên. Thậm chí có trường hợp người dân thấy khách đến chụp ảnh va quệt với tàu chạy qua. Tuy chưa để lại hậu quả đáng tiếc, song đây là tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông ở khu vực này.

An toàn trên hết

Ngày 15/9/2022, sau khi quận Hoàn Kiếm triển khai các biện pháp đóng cửa các hộ kinh doanh, ngăn không cho du khách đi vào khu vực cà phê đường tàu nhằm đảm bảo an toàn, các hộ kinh doanh tại đây đã có đơn gửi các cấp có thẩm quyền. Trong đơn, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp giúp người dân có đời sống ổn định, có cơ hội cải thiện thu nhập, tạo được điểm nhấn cho du lịch. Đồng thời các hộ dân cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi kinh doanh cà phê, du lịch tại đây.

z3724683677890_35219130c36cd150c906cb90d7fc8139.jpg -0
Lực lượng chức năng phải tăng cường chốt trực để đảm bảo TTATGT đường sắt.

Để làm rõ vấn đề, ngày 29/9, Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với chính quyền địa phương, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về kiến nghị của người dân khu vực cà phê đường tàu quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông cho biết, tại khu vực này thuộc địa bàn phường quản lý có 51 hộ dân với 251 nhân khẩu. Trong 15 hộ kinh doanh cà phê, giải khát, có 4 hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định pháp luật đường sắt hiện hành, tất cả các hộ kinh doanh này đều nằm trên đất hành lang đường sắt, vi phạm pháp luật. Do đó, phường đã tiến hành rút giấy phép đăng ký kinh doanh với 4 hộ có giấy phép và yêu cầu đóng cửa toàn bộ các hộ kinh doanh. Cùng đó, để tránh tái diễn tình trạng vi phạm phức tạp, phường đã tổ chức lực lượng cắm chốt trực tại 3 vị trí, ngăn chặn, tuyên truyền để khách du lịch không đi vào khu vực cấm. Ngoài ra, phường đã lắp camera giám sát tại các lối ngõ có thông ra đường tàu.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch UBND phường Cửa Đông cho biết, khu vực này, phường quản lý 41 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Trong 7 hộ kinh doanh, có 2 hộ có giấy phép. UBND phường đã có quyết định thu hồi đăng ký kinh doanh với 2 hộ này. Đối với các hộ khác, phường cũng ra thông báo, yêu cầu đóng cửa, lập 2 chốt ngăn chặn trực 3 ca từ 6h00 đến 22h30.

“Chúng tôi không đồng ý cho phép tiếp tục kinh doanh ở khu vực này vì như vậy là vi phạm quy định pháp luật đường sắt. Hơn nữa các đề xuất về đảm bảo an toàn mà các hộ dân đưa ra rất khó thực hiện, do khoảng cách từ đường sắt đến các hộ dân rất hẹp, rủi ro nguy hiểm không lường hết được. Nếu sơ sẩy xảy ra tai nạn tàu đâm va khách du lịch, hậu quả khôn lường”, Chủ tịch UBND phường Cửa Đông nói.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, diện tích công trình nhà ở của các hộ dân tại khu vực này đều nằm trên hành lang đường sắt. Do vậy, những công trình hiện hữu này hiện chưa thể xử lý được nhưng mọi hoạt động khác phát sinh vi phạm pháp luật đường sắt đều phải xử lý. “Phải thượng tôn pháp luật, lấy an toàn của người dân là trên hết, không đổi lợi ích kinh tế của bất kì tổ chức, cá nhân nào, kể cả việc thu ngân sách của chính quyền từ dịch vụ du lịch, thương mại”, ông Quân nhấn mạnh.

Phải thượng tôn pháp luật

Thống nhất với các ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết, Cục sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các cấp có thẩm quyền với quan điểm phải thượng tôn pháp luật, đảm bảo an toàn của người dân, người tham gia giao thông là trên hết.

Ngày 30/9, Cục Đường sắt Việt Nam đã có báo cáo Bộ GTVT trả lời kiến nghị của các hộ dân phố cà phê đường tàu chắn Trần Phú (Hà Nội). Cục Đường sắt cũng khẳng định quan điểm nhất quán với chỉ đạo của Bộ GTVT tại công văn số 9337/BGTVT-ATGT ngày 3/10/2019 về việc khẩn trương xử lý vi phạm TTATGT đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các hành vi vi phạm TTATGT đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt (Điều 48) và quy định pháp luật khác liên quan. Thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh trên đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng.

Riêng đối với khu vực chắn ở phố Trần Phú, thời gian qua, Cục đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đồng thời có nhiều văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý, giải tỏa các vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm TTATGT đường sắt khu vực này lại tái diễn từ tháng 4/2022.

Trước tình trạng này, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị chính quyền địa phương chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch tổ chức tuyên truyền ATGT, ký cam kết bảo đảm TTATGT đường sắt, cung cấp thông tin giờ tàu qua lại khu vực cho người dân. Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị Thanh tra đường sắt khu vực tăng cường phối hợp kiểm tra, gắn với tuyên truyền, vận động đôn đốc, nhắc nhở và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Đối với đề xuất tăng cường tín hiệu cảnh báo tàu đến như đèn tín hiệu dọc tuyến nhà dân cảnh báo sớm bằng chuông, bảng điện tử hiển thị giờ tàu, Cục Đường sắt Việt Nam không đồng ý với lí do, địa hình tại đây hạn chế sẽ ảnh hưởng quan sát của lái tàu; mặt khác hệ thống tín hiệu cảnh báo này gây nhiễu loạn với tín hiệu đường sắt. Với việc giảm tốc độ chạy tàu, đóng chắn sớm để hạn chế khách vào khu vực xóm đường tàu, Cục sẽ chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, rà soát, chỉ đạo đơn vị trực thuộc xem xét điều chỉnh phù hợp trên nguyên tắc không để ùn tắc giao thông.

Cục Đường sắt Việt Nam còn kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND TP Hà Nội có các biện pháp để ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Treo các biển cảnh báo “khu vực nguy hiểm” bằng các ngôn ngữ tại đầu các đường ngang Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ để cảnh báo, ngăn chặn du khách đi vào các khu vực.

https://cand.com.vn/doi-song/ha-noi-kien-quyet-dong-cua-ca-phe-duong-tau-i669413/

Nhật Uyên / Công an nhân dân