Sau khi nghe ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và tham vấn của nhiều bên, TP Hà Nội đã quyết định đề xuất dịch chuyển vị trí ga ngầm C9 tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Loại bỏ phương án 2

Ngày 23/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét thống nhất vị trí mặt bằng ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm, dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá các ưu- nhược điểm cụ thể của 3 phương án, ý kiến trao đổi thống nhất của Bộ, ngành Trung ương tại cuộc họp, UBND TP Hà Nội thống nhất, đối với phương án số 3 (phương án bỏ qua ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai) với lý do, không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, ảnh hưởng đến kỹ thuật chạy tàu, ảnh hưởng đến năng lực vận tải hành khách công cộng, mục tiêu dự án và các tuyến đường sắt đô thị liên quan. Trường hợp ga C9 được xây dựng sau khi dự án vận hành khai thác là hết sức khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, về đảm bảo an toàn hành khách, thời gian thi công kéo dài… dẫn đến chi phí tăng cao. Do vậy, thống nhất không đề xuất theo phương án 3.

Hà Nội quyết định đề xuất chọn vị trí ga ngầm C9 metro Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo dịch khỏi vùng bảo vệ di tích ảnh 1
Phối cảnh ga ngầm C9 theo phương án hiện tại (phương án số 2)

Đối với 2 phương án còn lại, là phương án 1 (điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9) và phương án 2 giữ nguyên ga C9 như hiện tại đều có ưu điểm là phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch GTVT Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị H1-1B.

Tuy nhiên, theo phương án 2, phần cơ bản thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đồng thời, chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Còn phương án 1 đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của các bên nêu trên.

Từ đánh giá trên, trên cơ sở ý kiến của các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, GTVT, Xây dựng và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại cuộc họp, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn thành hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và đẩy nhanh nhất tiến độ dự án đầu tư.

Phương án 1 sẽ khó khăn trong việc vận hành khai thác

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan như Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Giao thông, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về quy hoạch ga ngầm C9-hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo.

Tại văn bản này, UBND TP Hà Nội cho hay, sau khi nghiên cứu khoa học, kỹ lưỡng và thận trọng, TP Hà Nội xác định 3 phương án tổng quy hoạch ga ngầm C9 có tính khả thi.

Trong đó, phương án 1: ga C9 được kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội. Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m.

Theo UBND TP Hà Nội, nhà ga được thiết kế thành 4 tầng, sảnh chờ, hệ thống bán vé ở tầng 1; tầng 2 và 4 phục vụ đón trả khách; tầng 3 chứa thiết bị.

TP Hà Nội đánh giá, phương án này ít tác động đến khu vực di tích được bảo vệ, song sẽ nảy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, tăng diện tích giải phóng mặt bằng, đội chi phí. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án 2 hơn 440 tỷ đồng. Ga xếp chồng 4 tầng có thể gây lún nền, rủi ro xây dựng do đất phủ mỏng.

Các chuyên gia cho hay, sau khi TP Hà Nội lựa chọn phương án số 1, tức phương án khác với thiết kế hiện tại (phương án 2- giữa nguyên vị trí, thiết kế ga C9 như hiện tại) đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ phải thuê tư vấn thiết kế chi tiết nhà ga C9 (vì đã khác thiết kế ban đầu được duyệt), bổ sung nguồn vốn.

Sau đó, sẽ cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt diều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo. Tiếp đó, TP Hà Nội sẽ thẩm định và phê duyệt lại rồi tổ chức đấu thầu xây lắp. Ước tính, thời gian để hoàn thành sớm nhất các thủ tục này mất khoảng 12 tháng.

Đáng nói, các chuyên gia giao thông đô thị đều cho biết, quy hoạch tổng mặt bằng nhà ga C9 được xây dựng theo phương án 1 sẽ cực kỳ bất lợi trong vận hành và khai thác sau này.

Đoạn trên cao dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội có kịp khai thác vào cuối 2022? Đoạn trên cao dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội có kịp khai thác vào cuối 2022?

Hiện tại, tiến độ đoạn trên cao dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội đã đạt đến 90% khối lượng.

/ www.anninhthudo.vn