Những con chó đi lang thang trên đường phố, công viên mà không có chủ dắt bằng xích, không rọ mõm sẽ bị thu gom. 

Nằm trong kế hoạch phòng chống bệnh dại, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt việc thành lập đội săn bắt chó thả rông theo đề xuất của Chi cục Thú y Hà Nội.

"Chúng tôi đang tham khảo mô hình của TP HCM để áp dụng sao cho phù hợp với Hà Nội. Đội bắt giữ chó chuyên nghiệp được trang bị xe, dụng cụ chuyên dụng sẽ đi quay vòng các quận, huyện. Những con chó mắc bệnh sẽ bị tiêu hủy, con khỏe mạnh sẽ đưa về nơi lưu giữ, chờ chủ đến nhận", ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Thú y nói.

Bên cạnh mục đích phòng trừ bệnh dại, Cục Thú y còn đặt ra mục tiêu nâng cao ý thức người nuôi, đảm bảo an toàn cho người khác, chứ không nhằm vào bắt chó phạt tiền hay tiêu hủy.

ha noi thanh lap doi san bat cho tha rong
Chó thả rông, không đeo rọ mõm trong công viên Tuổi trẻ, Hà Nội trở thành nỗi sợ của không ít người qua lại. Ảnh: Tất Định.

Dự kiến, đầu năm 2019, đội bắt chó chuyên nghiệp sẽ hoạt động. Những con chó đi ở nơi công cộng như vỉa hè, công viên, sân chơi chung cư... mà không có chủ dắt bằng xích, rọ mõm đều bị coi là chó thả rông và bị bắt giữ.

Là đơn vị đầu tiên thành lập tổ bắt chó thả rông ở Hà Nội, quận Thanh Xuân thống kê có hơn 2.300 con chó trên địa bàn. Tình trạng người dân nuôi chó thả rông, phóng uế bừa bãi phổ biến khiến người dân bức xúc. Thậm chí, tháng 8/2018 còn xảy ra vụ người đàn ông bị chó Bec-giê cắn tử vong.

Đầu tháng 11 vừa qua, chín phường thuộc quận Thanh Xuân đã lập tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông. Mỗi tổ gồm 5 người, đi xe máy đeo sọt sắt, thòng lọng tuần tra các tuyến đường. Các tổ đã bắt được 9 con chó, xử phạt chủ chó tổng số tiền 6,2 triệu đồng.

"Khi bắt giữ chó, chúng tôi thông báo qua loa phường đề nghị chủ sở hữu đến nộp phạt và đem chó về. Sau 72 tiếng, chó không có người nhận sẽ bị tiêu hủy", bà Mai Thị Lan Hương, Trạm Thú y Thanh Xuân cho biết.

Theo bà Hương, hoạt động này nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống, không có xe chuyên dụng và chưa có nơi nhốt chó.

Những con chó to chạy trên đường bắt rất khó, khi rượt đuổi bằng xe máy có thể gây cản trở giao thông, thậm chí gây nguy hiểm cho người bắt giữ. Chó bị bắt thường được cho vào rọ sắt, đưa về trụ sở ủy ban phường đợi chủ đến nhận. Chi phí chăm sóc chó, chi phí cho nhân viên đi bắt chó chưa được tính toán cụ thể.

Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên.

Quy định này cũng nêu rõ chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ.

Tất Định

ha noi thanh lap doi san bat cho tha rong Ông Đoàn Ngọc Hải mạnh tay dẹp chó thả rông

Phó chủ tịch quận 1 yêu cầu lãnh đạo các phường phải tuyên truyền rộng rãi, tiến tới xử lý nghiêm các trường hợp người ...

ha noi thanh lap doi san bat cho tha rong Khổ với nạn chó thả rông ở TP.HCM

Công viên 23 tháng 9 ở trung tâm Q.1, TP.HCM là nơi tập thể dục, vui chơi giải trí của người dân, du khách nước ...

/ VnExpress