Hơn 30 giáo viên tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) nhiều năm qua kiên trì đi gõ cửa các cơ quan chức năng, vì quá bức xúc khi cho rằng, tiền mồ hôi, công sức của họ bị ăn bớt?
Hơn 30 giáo viên tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) nhiều năm qua kiên trì đi gõ cửa các cơ quan chức năng, vì quá bức xúc khi cho rằng, tiền mồ hôi, công sức của họ bị ăn bớt? |
“Nếu biết mình bị bớt xén tiền lương, bạn sẽ làm gì?”
Đây là câu hỏi được thầy giáo Nguyễn Văn Tuyến - giáo viên dạy Thể dục Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) nhắc lại nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Lao Động.
Bức xúc khi biết mình bị bớt xén tiền đã đành, điều khiến thầy Tuyến và nhiều giáo viên trong trường “không thể ngồi yên” là vì không chấp nhận trong môi trường giáo dục có chỗ cho sự không trung thực. Nếu giáo viên im lặng và thỏa hiệp trước những điều chưa công bằng, thì làm sao có môi trường tốt nhất để học sinh học tập?
Giáo viên cho rằng, nhà trường không áp dụng công thức theo công văn của sở mà tạo ra một công thức khó hiểu. Ảnh giáo viên chụp lại. |
Theo lời thầy Tuyến, ngoài số tiết giáo viên phải hoàn thành đủ định mức để nhận lương từ ngân sách, nếu giáo viên nào tham gia dạy học 2 buổi/ngày sẽ được tính thêm một khoản lương theo tiết dạy.
"Có đợt hiệu trưởng trả cho chúng tôi chỉ mười mấy nghìn đồng một tiết, chẳng đủ để ăn một bát phở nhưng anh em vẫn vui. Vì chúng tôi tin rằng trong môi trường giáo dục, lương giáo viên đã thấp rồi, ai nỡ cắt xén. Nhưng chúng tôi đã lầm...
Đầu tháng 11.2017, chúng tôi tình cờ phát hiện mình bị ăn bớt tiền mồ hôi, công sức lao động một cách trắng trợn. Cả chục năm nay, số tiền mà hơn 30 giáo viên trong trường bị bớt xén cộng dồn cũng lên đến nhiều tỉ đồng”- một giáo viên trong Tổ Văn Thể Mỹ Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám bức xúc.
Sở hướng dẫn một đằng, trường thực hiện một nẻo?
Vì sao giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám khẳng định mình bị “bớt xén tiền lương”? Cô T - giáo viên trường - lý giải: Cuối năm 2017, giáo viên đối chiếu công thức hiệu trưởng dùng để tính đơn giá lương dạy 2 buổi cho giáo viên với Công văn 296 của Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Hà Nội và phát hiện ra có sự nhập nhèm trong công thức tính.
“Theo Công văn 296, đơn giá tiền dạy 2 buổi được tính bằng tổng tiền thu được (60% được phép chi cho giáo viên giảng dạy) chia cho số tiết thực dạy. Thế nhưng, nhà trường không áp dụng công thức theo công văn của sở mà tạo ra một công thức khó hiểu. Nếu dựa công thức này, lương dạy 2 buổi mà giáo viên được hưởng sẽ giảm đáng kể” - cô T nói.
Cô T phân tích, theo cách tính hiệu trưởng giải thích với giáo viên thì một lớp có 35 tiết/tuần, trong đó giáo viên chủ nhiệm dạy 25 tiết, giáo viên Văn-Thể-Mĩ dạy 10 tiết.
Theo quy định, định mức của giáo viên chủ nhiệm là 23 tiết/tuần. Hiệu trưởng đã lấy 2 tiết thừa của giáo viên chủ nhiệm và 10 tiết của giáo viên Văn-Thể-Mĩ để tính đơn giá lương dạy 2 buổi/ngày.
“Trong 10 tiết/tuần của giáo viên Văn - Thể - Mỹ, có khoảng 8,5 tiết giáo viên đã được hưởng lương từ ngân sách, nên không thể cộng dồn vào tiền lương dạy buổi thứ 2 do phụ huynh học sinh đóng góp như cách tính của hiệu trưởng” – cô T nói.
Sau khi tự mình tính lại theo đúng công văn 296 của Sở, giáo viên bất ngờ khi số tiền trên một tiết dạy lên tới trên 50.000 đồng, chứ không phải 34.000 đồng/tiết mà trường áp dụng nhiều năm nay.
“Đương nhiên, khi lấy tiền học 2 buổi/ngày thu được của học sinh chia cho càng nhiều tiết, thì số tiền giáo viên được nhận/tiết dạy sẽ càng ít đi. Học sinh đóng góp vẫn thế, như vậy sẽ tạo ra một khoản chênh lệch rất lớn. Mỗi tháng, mấy chục giáo viên trong trường bị ăn bớt từ vài trăm nghìn đến tiền triệu”- giáo viên Thạch Anh Thư chia sẻ.
“Muốn biết sự thật, lên quận mà hỏi”
Để có câu trả lời cho giáo viên, chúng tôi đã liên hệ để xác nhận thông tin từ lãnh đạo Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Kim Thúy - hiệu trưởng nhà trường - từ chối gặp mà chỉ trao đổi qua điện thoại. Bà Thúy nói: "Muốn biết sự thật thì lên quận mà hỏi?!”.
Theo lời bà Thúy, Công văn 296 của Sở GDĐT Hà Nội chỉ mang tính tạm thời, còn công thức tính của trường đã được thông qua trong quy chế chi tiêu nội bộ và được UBND quận Ba Đình phê duyệt. “Giáo viên đã thông qua quy chế chi tiêu rồi thì đúng sai cũng không nên thắc mắc nữa” - bà Thúy nói.
Có hay không chuyện giáo viên bị ăn bớt tiền lương? Tại sao quận Ba Đình lại phê duyệt công thức tính tiền lương mà lãnh đạo Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám “sáng tạo” ra, dù nó không đúng với Công văn 296 mà Sở GDĐT hướng dẫn?
Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
\'Bớt xén khẩu phần ăn của học sinh là tội ác\' Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay nhà trường bớt xén khẩu phần ăn của học sinh là tội ác. Hiệu trưởng phải ... |
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo rút kinh nghiệm về bữa ăn 19.000 đồng Bà Phạm Thị Việt Nga cho biết UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các trường rút kinh nghiệm sau vụ bữa ăn 19.000 đồng ... |