Nếu chỉ tính các ngõ có tên, không tính ngõ đánh số thì Hà Nội hiện có hơn 400 ngõ. Có ngõ rộng đủ cho xe taxi vào nhưng có ngõ rất hẹp, nếu hai xe máy tránh nhau thì “một con dê” phải dừng lại nhường đường. Lại có ngõ cụt, có ngõ thông với phố khác và từ ngõ lại còn có ngóc và ngách.
Hương vị cuộc sống Hà Nội luôn hiển hiện trong những con phố ngắn và ngõ nhỏ trong lòng phố cổ
Trước khi người Pháp xâm lược Hà Nội cuối thế kỷ XIX thì đô thị này phát triển tự phát không theo một trật tự nào. Bản đồ Hà Nội do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873 cho thấy thời vua Tự Đức, Hà Nội còn nhiều hồ ao, các phố (nghĩa của từ phố là chỗ bán hàng) cong queo, trục đường chính đi lại giữa những phường nghề nối ra phố cũng không mấy thẳng. Năm 1883, công sứ Pháp tại Hà Nội là Bonnal quyết định cải tạo Hà Nội, việc đầu tiên ông ta cho mở đường xung quanh hồ Gươm và xây tòa Đốc lý (nay là UBND TP Hà Nội), Bưu điện, phố Tràng Tiền, Bắc Bộ phủ… quanh hồ. Cùng với xây dựng các khu nhà theo kiểu châu Âu ở phía Đông hồ Gươm, Chính phủ Bảo hộ cũng lên kế hoạch xây dựng một khu phố mới (còn gọi là khu phố Pháp) ở phía Nam hồ Gươm.
Khu phố mới hình thành từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (nay tương ứng với các phố Bà Triệu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Quang Trung…). Vì có quy hoạch nên khu phố mới rất ít ngõ và nếu có thì là ngõ rất rộng. Phố Trần Hưng Đạo chỉ có ngõ như Vạn Kiếp, Tức Mặc, Hạ Hồi; Lý Thường Kiệt có ngõ Lý Thường Kiệt (sát đại sứ quán Cuba). Ở khu vực “36 phố phường” dù chính quyền cho nắn thẳng các phố Hàng làm vỉa hè nhưng vì khu vực này xưa đô thị hóa tự phát nên vẫn còn nhiều ngõ. Tuy nhiên, Sở Lục lộ đã quy định “chiều rộng của ngõ ít nhất cũng phải đủ rộng để xe tay có thể ra vào”.
Thời vua Tự Đức (1847-1883) các làng ở phía Nam Hà Nội như: Bạch Mai, Đại La, Minh Khai, Trương Đinh…; ở phía Tây gồm: Khâm Thiên, Nam Đồng,Tây Sơn… và Tây Bắc gồm: Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê; Cầu Giấy thuộc đất của tỉnh Hà Đông. Khi Hà Nội thành nhượng địa, chính quyền bảo hộ mở rộng các con đường sẵn có ở các làng này với khu vực xung quanh để thuận lợi cho các hoạt động quân sự và phát triển kinh tế.
Đường Thiên Lý qua các làng Tương Mai, Hoàng Mai, Bạch Mai… được mở rộng trở thành phố. Đầu những năm 1920, đô thị hóa tự phát ở các làng này diễn ra rất mạnh. Nguyên nhân là nội đô quá chật trội, giá đất lại cao trong khi đất các làng ngoại ô còn rộng, giá lại rẻ nên nhiều người mua để lập cơ sở sản xuất, để ở, có người mua mở cửa hàng buôn bán.
Đô thị hóa tự phát dẫn đến các ngõ vào làng trở thành ngõ phố. Theo bản đồ thành phố Hà Nội in năm 1960, phố Bạch Mai có 25 ngõ, trong đó có 22 ngõ có tên và 3 ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ và chỉ 2 là số, còn lại là ngõ có tên. Ngõ Chợ, ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên nhưng trong ngõ này lại có 23 ngõ nhỏ với 9 ngõ có tên. Phố Nam Đồng có 14 ngõ… Nếu tính tổng số ngõ có tên xuất xứ từ đường làng thì 3 quận nội thành cũ gồm: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình có khoảng 150 ngõ.
Hà Nội xưa có những ngõ là nơi sống của giới thượng lưu, họ là người giàu có, trí thức và công chức lương cao. Buổi trưa yên lặng tới mức một chiếc lá hoàng lan rụng ở khuôn viên cũng có thể nghe thấy. Đó là các ngõ Tân Hưng (sau đổi thành Tức Mặc), ngõ Hạ Hồi (hay xóm Hạ Hồi). Hà Nội cũng có con ngõ buồn, nơi người nghèo trú trọ. Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Trần Huyền Trân thuở nhỏ sống ở ngõ Cống Trắng (phố Khâm Thiên), cạnh các gian nhà lụp xụp cho các cô đầu thuê và ông từng viết thư thuê vì các cô không biết chữ. Sau này hình ảnh ngõ Cống Trắng vẫn hiện ra trong bài thơ “Đôi mùa” của ông.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Ngõ hoang nở dăm mầu bướm
Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau
Hà Nội cũng có những ngõ luận mãi chưa hết chuyện là ngõ Tạm Thương ở Hàng Gai. Xưa có câu “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương”. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về ngõ này:
Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bẩy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời dâu phải tạm thương
Với các ngõ gốc gác từ làng, cuộc sống cũng bình yên, thân hữu vì người trong ngõ là họ hàng hay cùng làng thờ, cùng nhau thờ chung một thành hoàng. Nhà thơ Bằng Việt không sống trong ngõ nhưng trong bài “Trở lại trái tim mình” sáng tác năm 1967, đã viết:
Tôi trở về những ngõ quen xưa
Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự
Phải rất hiểu ngõ mới viết được như vậy. Thập niên 90 thế kỷ XX, Hà Nội thay đổi mạnh, ngõ cũng cựa mình. Không chỉ mặt phố, các con ngõ cũng bị cuốn vào cơn lốc xây dựng. Nhà cao tầng mọc lên từ đầu đến nhà cuối ngõ. Cái ngõ xưa chói chang ánh nắng nhưng giờ mùa hè cũng chả thấy mặt trời. Và ngõ thành phố nhỏ. Rồi xuất hiện cửa hàng. Có lẽ do tiền thuê cửa hàng mặt phố lớn quá cao nên họ vào ngõ. Từ cắt tóc gội đầu, bán tạp hóa, quán phở, đoạn ngõ rộng còn có cả quán bia cỏ. Không chỉ cửa hàng, ngõ còn có chợ. Tiện thì có tiện nhưng dắt xe máy ra khỏi nhà đi đâu đó thì tắc ngay từ cửa nhà mình. Lỗi chẳng biết tại ai.
Chả thể cải thiện được tình trạng này trong ngắn hạn, mặt phố hay trong ngõ cũng bình đẳng. Chỉ có điều muốn bỏ ngõ và các con ngách rắm rối chỉ còn cách quy hoạch. Không khác.
Hà Nội xưa có những ngõ là nơi sống của giới thượng lưu, họ là người giàu có, trí thức và công chức lương cao. Buổi trưa yên lặng tới mức một chiếc lá hoàng lan rụng ở khuôn viên cũng có thể nghe thấy.
Gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa đón Tết thế nào? “Càng về già, những người như chúng tôi lại càng sống bằng hoài niệm”- ông Phạm Ngọc Giao bắt đầu câu chuyện về cái Tết ... |
Tết ở Hà Nội những năm trước Đổi mới Nhiều hình ảnh đen trắng về Tết ở Thủ đô cách đây trên dưới 40 năm đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm ... |
Chợ Tết Hà Nội xưa Thăng Long là nơi hội tụ dân từ nhiều vùng miền khác nhau. Khi về kinh đô, họ mang theo những tập tục, thói quen ... |
Nhà đại gia Hàng Đào: 3 ngày Tết chuẩn bị 20 mâm cỗ đón khách "Tết đến bao giờ mợ tôi cũng phải chuẩn bị 20 mâm cỗ mời khách trong 3 ngày Tết. Mỗi lượt khách đến là 1 ... |
Phố thời xa vắng Với hầu hết những người có tuổi đã ở lâu phố cũ, thì ký ức đẹp nhất về Hà Nội là đoạn thời gian phố ... |