ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, "lỗi đánh máy" được sử dụng rất nhiều trong thời gian gần đây nhưng không nhận được sự đồng thuận từ dư luận.
Điển hình là trường hợp của Habeco "bỏ quên" gần 500 tỷ tiền thuế, cũng được giải thích do "lỗi đánh máy", khiến đại biểu bức xúc.
Cần làm rõ động cơ bỏ sót hàng trăm tỷ của Habeco. Ảnh VnEconomy
"Không thể có chuyện bỏ ngoài ngân sách hàng trăm tỷ đồng rồi giải thích một cách nhẹ tênh là do lỗi đánh máy được.
500 tỷ không phải là con số nhỏ, không phải 5 triệu hay 500.000 đồng, nên không thể đổ lỗi cho anh đánh máy.
Bản thân là người lãnh đạo doanh nghiệp, khi ký báo cáo tài chính chẳng lẽ không có chút mảy may nghi ngờ, khó hiểu hay sao? Nếu thật sự đây là "lỗi đánh máy" thì cũng cần phải xem xét lại năng lực của người lãnh đạo, đặt bút ký", ông Hòa nói thẳng.
Ông Hòa cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết phải vào cuộc làm rõ mục đích, động cơ của doanh nghiệp tránh để oan sai, tội thân anh đánh máy.
Ông Hòa nhấn mạnh: "Nếu không bị phát hiện, có phải 500 tỷ đó đã bị mất rồi không? Đây là việc làm ù xọe, nhập nhèm cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm", ông Hòa nói.
Đưa anh đánh máy ra làm vật thế thân
Từ câu chuyện của Habeco, đại biểu Phạm Văn Hòa nhớ lại hàng loạt những vụ việc xảy ra gân đây và cụm từ "lỗi đánh máy" xuất hiện với tần suất ngày một nhiều, nó mang đủ sắc thái, xảy ra phổ biến ở các địa phương và trung ương, có ở cả khâu lập pháp cho tới khâu hành pháp... Tất cả chỉ với mục đích giải thích cho các lỗi sai sót mà địa phương, doanh nghiệp gây ra.
Điển hình như vụ việc của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) giải thích lỗi sai trong dự thảo thông tư, các loại thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe được sử dụng làm thủ tục lên các chuyến bay nội địa. Khi ban hành, chỉ vì lỗi đánh máy nên điều này đã xoay 180 độ.
Ở ngành y tế, vụ xe biển xanh chạy ngược chiều trên cầu Nhật Tân hồi tháng 4/2017, lãnh đạo bộ vừa có văn bản giải thích do cán bộ điều tiết giao thông hướng dẫn nhưng ngay sau đó, chính tài xế thú nhận tự mình quay đầu. Lãnh đạo ngành khi lên tiếng cũng lại đổ lỗi cho người đánh máy.
Bộ Xây dựng cũng từng đổ lỗi cho in ấn khi cấm xây nhà theo kiến trúc Pháp. Mới đây, Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên - Môi trường khiến dư luận bức xúc vì làm người dân hiểu là phải ghi tên tất cả thành viên trong gia đình vào sổ đỏ. Bộ này sau đó cũng giải thích một cách rất “phổ biến” là do lỗi soạn thảo, đã gây hiểu nhầm...
Ông Hòa nhận xét: "Rất lạ lùng là cứ mỗi khi văn bản được ban hành có sai sót, thì y như rằng, anh đánh máy lại trở thành vật thế thân.
Đổ lỗi cho anh đánh máy là dễ nhất, nhẹ nhất vì cứ lấy anh đánh máy ra chịu tội thì sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm nữa, vì thế, "lỗi đánh máy" mới được các cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp thích sử dụng đến thế.
Nếu bây giờ làm thật nghiêm, chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức thì chắc chắn không còn tình trạng "tranh công đổ lỗi" cho cấp dưới, cho người đánh máy nữa", ông Hòa thẳng thắn.
Nhấn mạnh tới trách nhiệm, vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp cho rằng, sự thiếu trách nhiệm, không dám nhận lỗi khi xảy ra sai sót chính là nguyên nhân khiến những sai sót này chồng lên những sai sót khác.
Cũng chính từ việc thích đổ lỗi cho người khác nên mới khiến chất lượng văn bản thời gian qua được ban hành nhưng không tốt, còn doanh nghiệp thì làm sai không chịu nhận.
Đại biểu Hòa lưu ý, ở mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, mỗi cấp, ngành nếu để xảy ra những sai sót "đánh máy" đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Đối với doanh nghiệp, việc đổ thừa cho "lỗi đánh máy" có thể khiến nhà nước thất thu, nhà đầu tư bị mất lòng tin vào doanh nghiệp vào môi trường đầu tư trong nước.
"Đổ lỗi cho người đánh máy chỉ là giải pháp tình thế. Trong ban hành văn bản, nếu ban hành văn bản sai thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, thậm chí còn phải bồi thường thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.
Còn đối với doanh nghiệp, nếu làm sai lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, phải bị truy thu, hoặc thể phải xử lý hình sự nếu phát định sự sai sót trên gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có chủ đích", ông Hòa chốt lại.
3 thí sinh viên chức Thanh Hóa được sửa điểm do "lỗi đánh máy" Kết quả kỳ thi xét tuyển viên chức ngành giáo dục ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có 3 thí sinh tăng 40 điểm sau ... |
Số liệu tiền thuế của Habeco chênh 500 tỷ đồng vì \'lỗi đánh máy\' Báo cáo tài chính năm 2017 của Habeco đã được kiểm toán từ 4 tháng trước, nhưng đến nay Habeco mới thông báo “đính chính” ... |