Có lẽ chưa bao giờ sức hút của phim truyền hình Việt Nam mạnh mẽ như thời điểm này
Làm mưa làm gió
2017 có thể gọi là một năm đại tiệc các "bom tấn" truyền hình với sự ra mắt của hàng loạt bộ phim hấp dẫn trên màn ảnh nhỏ như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Ghét thì yêu thôi", "Thương nhớ ở ai", "Ngược dòng nước mắt", "Cả một đời ân oán"… Từ hình sự đến tình cảm gia đình, ngôn tình tới đề tài nông thôn thời kỳ hậu chiến…, các nhà làm phim đã đưa đến khán giả những bộ phim hấp dẫn nhất, phù hợp với nhiều đối tượng.
Hai bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" (tác phẩm tâm lý gia đình của đạo diễn Vũ Trường Khoa) và "Người phán xử" (bộ phim về tâm lý tội phạm của bộ 3 đạo diễn Mai Hiền - Danh Dũng - Khải Anh) xếp thứ 2 và 3 trong tốp 5 "Phim được tìm kiếm nhiều nhất" trong năm 2017 theo thống kê của Google Việt Nam. Sức hút của 2 phim này vẫn chưa hạ nhiệt ngay cả khi đã kết thúc và các bộ phim ăn khách tiếp theo lên sóng. Những nhà làm phim này đã xuất chiêu gì để "bỏ bùa" khán giả, buộc họ phải chú ý đến vậy?
Cảnh trong phim "Người phán xử"
Lý giải về điều này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) - thừa nhận VFC đã phải bươn bả nhiều hội chợ phim trên khắp thế giới để tìm kiếm những kịch bản ăn khách. Một bộ phim muốn gây được chú ý phải có một kịch bản hấp dẫn, kịch tính, nhiều nút thắt và nếu để phục vụ các bà nội trợ thì… càng éo le càng tốt.
"Sống chung với mẹ chồng" trở thành bộ phim thu hút lượng lớn người xem bởi đã đụng đến vấn đề muôn thuở, đó là câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu. Câu chuyện ấy vẫn xôn xao trên mạng xã hội và cuộc sống thường ngày nhưng đến nay mới được đưa lên phim một cách điển hình như thế. Không ít khán giả như thấy chính cuộc đời mình trong phim với những câu nói kinh điển: "Con dâu là đứa ở đẩu ở đâu đến. Không lấy đứa này thì lấy đứa khác!".
"Người phán xử" được Việt hóa dựa trên kịch bản phim "The Abitrator" của Israel, tác phẩm thu hút 6 tỉ lượt xem ở nước này. Tất nhiên, để phù hợp với văn hóa Việt, "Người phán xử" phiên bản Việt Nam đã được chỉnh sửa tới 60% so với bản gốc, cắt bớt những chi tiết quá bạo lực hoặc quá "nóng". Một kịch bản hấp dẫn, được Việt hóa với hình ảnh phảng phất của ông trùm khét tiếng Năm Cam và đàn em đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với khán giả. Dưới con mắt của một nghệ sĩ gạo cội, NSND Hoàng Dũng, vai ông trùm Phan Quân của "Người phán xử", lý giải sức hút của bộ phim chính là đã đào sâu vào nội tâm nhân vật. Thời gian trước đây cũng có nhiều phim về đề tài hình sự, tội phạm nhưng chỉ đơn thuần là kể lại vụ án khiến khán giả nhàm chán.
Dàn diễn viên xuất sắc
Một kịch bản hấp dẫn cũng chưa thể tạo nên một bộ phim hay nếu thiếu những diễn viên giỏi. VFC từng không ít lần nếm mùi thất bại từ những kịch bản mua của nước ngoài, dù kịch bản rất ăn khách. Chính Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải cũng thừa nhận nếu không có dàn diễn viên xuất sắc như Hoàng Dũng, Lan Hương, Thanh Quý, Hương Dung, Trung Anh, Chu Hùng, Trần Đức, Công Lý, Việt Anh, Hồng Đăng, Bảo Thanh… thì "Sống chung với mẹ chồng" hay "Người phán xử" chưa chắc gây tiếng vang đến vậy.
Đã rất lâu rồi, khán giả mới tìm lại được nhân vật "linh hồn" của phim truyền hình, đó là NSND Lan Hương với vai bà mẹ chồng tai quái và Hoàng Dũng với vai ông trùm xã hội đen.
Cảnh trong phim "Người phán xử"
NSND Lan Hương diễn xuất tự nhiên đã khiến khán giả vừa ghét vừa sợ một bà mẹ chồng khó tính hay xét nét con dâu từng li từng tí. Trong khi ấy, ánh mắt của NSND Hoàng Dũng khi vào vai ông trùm là ánh mắt của con dao sắc lẹm, vừa tinh tường, mưu mô, thủ đoạn vừa chứng tỏ được bản lĩnh nhìn người, nhìn đời. Đạo diễn Khải Anh tâm sự anh không tìm đâu một người chuyên nghiệp như thế; còn Hồng Đăng, Việt Anh thì quả quyết rằng NSND Hoàng Dũng là một người thầy.
Đã qua rồi cái thời làm phim không khác gì dựng kịch. Khán giả bây giờ "quá tỉnh" để lựa chọn một chương trình truyền hình khi họ có quá nhiều sự lựa chọn. Nếu không tìm thấy sự hấp dẫn, gay cấn, thậm chí là cả gần gũi với đời sống của mình, chắc chắn họ sẽ dễ dàng cầm remote chuyển kênh sang một chương trình cuốn hút hơn.
"Ăn điểm" nhờ truyền thông
Rõ ràng, bên cạnh "thiên thời - địa lợi - nhân hòa", các bộ phim truyền hình hiện nay "ăn điểm" nhờ được đầu tư tốt bối cảnh đẹp, công nghệ sản xuất hiện đại. Các đạo diễn trẻ làm phim với tư duy mới, tiết tấu nhanh, hấp dẫn với nhiều tình tiết gay cấn.
Một yếu tố phụ nhưng không thể không nhắc đến đó là sự đổi mới trong truyền thông của VFC nói riêng và VTV nói chung. Nếu trước đây phim truyền hình lên sóng khá âm thầm thì nay đã nhận được sự hỗ trợ rầm rộ của các đồng nghiệp. Hai trang fanpage của phim cũng đã được VFC lập ra để khán giả có thể theo dõi, bình luận về mỗi tập phim. Thậm chí, nhà sản xuất còn "triệu tập" dàn diễn viên của 2 phim để quay thêm phim ngắn "Người phán xử sống chung với mẹ chồng" dành tặng khán giả. Đặc biệt, dàn diễn viên cũng rất tích cực tương tác, giao lưu với khán giả để đẩy hiệu ứng bộ phim lên cao.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải tâm sự những người làm phim của VFC đã chờ đợi những dự án phim như thế này từ rất lâu để thuyết phục khán giả hãy tiếp tục dành sự ủng hộ với phim truyền hình Việt. Nhờ cảm hứng từ "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử", VFC đã thừa thắng xông lên, tung ra một loạt phim kỳ vọng sẽ trở thành "bom tấn" năm 2018. Kịch bản mới lạ, hấp dẫn; quy tụ dàn diễn viên tài năng trong Nam ngoài Bắc, hứa hẹn truyền hình Việt sẽ bùng nổ trong năm mới.
10 câu nói ngọt ngào đến tan chảy trong các bộ phim lãng mạn bất hủ Những chuyện tình tuyệt đẹp của Hollywood gây ấn tượng bởi khung cảnh nên thơ, diễn viên quyến rũ và đặc biệt là lời thoại ... |
Những siêu anh hùng da màu nổi tiếng trên màn ảnh Black Panther, Luke Cage hay Storm là những siêu anh hùng da màu từng xuất hiện trên các bộ phim chuyển thể từ truyện tranh. |