Dù từ bỏ thường trú tại Canada để phát triển sự nghiệp ở Trung Quốc, Mạnh Vãn Chu vẫn mua hai căn biệt thự ở Vancouver cho gia đình.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Handout.
Tại phiên điều trần ở Tòa án tối cao British Columbia hôm 7/12, luật sư David J. Martin cho biết giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu và chồng Lưu Hiểu Tông sở hữu hai căn biệt thự ở Vancouver, Canada, theo SCMP. Mạnh Vãn Chu bị bắt hôm 1/12 ở Canada và bị Mỹ cáo buộc che giấu mối liên kết với công ty Skycom bán thiết bị cấm cho Iran và "âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính".
Hai căn biệt thự của vợ chồng Mạnh Vãn Chu tọa lạc tại số 28 đại lộ phía Tây, khu phố Dunbar và đường Matthews, khu Shaughnessy. Căn nhà ở số 28 đại lộ phía Tây được mua hồi tháng 10/2009, hiện trị giá khoảng 4,2 triệu USD. Căn nhà ở đường Matthews được mua tháng 5/2016, hiện trị giá 12,2 triệu USD. Cả hai căn đều do Lưu Hiểu Tông đứng tên.
Ngoài số tiền bảo lãnh đề nghị, luật sư Martin cho rằng hai căn biệt thự này có thể được xem như tài sản đảm bảo cho Mạnh Vãn Chu được tại ngoại. Giấy tờ thế chấp của cả hai căn nhà đều do ngân hàng HSBC chi nhánh Canada nắm giữ. Điều đáng nói, Mỹ cáo buộc Mạnh Vãn Chu đã lừa đảo HSBC bằng cách khai khống với ngân hàng này rằng giữa bà và Skycom không có mối liên hệ nào. Giới chức Mỹ cho rằng bà Mạnh vẫn nắm quyền điều hành Skycom dù Huawei khẳng định đã bán công ty này vào năm 2009. Skycom bị cáo buộc bán các thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận của Washington nhằm vào Tehran.
Căn biệt thự ở số 28 đại lộ phía Tây, khu phố Dunbar, Vancouver của vợ chồng Mạnh Vãn Chu. Ảnh: SCMP.
Ngôi nhà trên đường Matthews rõ ràng không có người ở. Biệt thự rộng gần 750 m2 đang được tu sửa với nhiều thiết bị nằm trên lối xe vào. Một bảo vệ ngồi ở ngưỡng cửa nói anh không biết chủ căn nhà là ai. Tại ngôi nhà rộng 347 m2 ở số 28 đại lộ phía Tây, nằm giữa trường cấp 1 và cấp 2 của trường tư thục St George, bãi cỏ và khu vườn được chăm sóc gọn gàng.
Có rất nhiều điều cần lý giải trong các bản khai về vấn đề cá nhân cũng như mối liên hệ giữa Mạnh Vãn Chu và Vancouver trong mô tả của Martin. Các bản khai thực tế hiện chưa được tòa công bố. Bà Mạnh từng nhập cư Canada nhưng từ bỏ quyền thường trú vào năm 2009. Tuy nhiên, vợ chồng bà tiếp tục mua căn nhà ở đại lộ phía Tây vào cùng năm đó. "Bà ấy có thẻ chăm sóc y tế, thẻ căn cước British Columbia, sổ bảo hiểm xã hội và nhiều mối liên kết với Canada", Martin nói trong phiên điều trần tại Tòa án Tối cao.
Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc cách đây 9 năm nhưng một số thành viên gia đình bà tiếp tục ở lại Canada nhiều năm sau đó. Theo lời khai của Mạnh, một trong ba con trai của bà với người chồng đầu tiên hiện 16 tuổi, học ở Vancouver từ năm 2009 đến 2012. Con gái 10 tuổi với người chồng thứ hai Lưu Hiểu Tông cũng từng học mẫu giáo tại Vancouver. Trong thời gian đó, Lưu sống ở Vancouver để học lấy bằng thạc sĩ.
Biệt thự trên đường Matthews, khu Shaughnessy. Ảnh: SCMP.
"Bà ấy thừa nhận sau năm 2012, con cái không còn cư trú ở Vancouver nhưng bọn trẻ vẫn dành nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng nghỉ hè ở thành phố này", Martin nói. Bà Mạnh còn một cậu con trai 14 tuổi hiện sống ở Hong Kong cùng bố và một con trai là lập trình viên, 20 tuổi, song chưa rõ nơi sinh sống của người này. Lưu Hiểu Tông và con gái hiện sống tại Thâm Quyến.
Về mặt giấy tờ, nơi sinh sống của gia đình Mạnh Vãn Chu khá phức tạp song đây là điều hoàn toàn bình thường đối với các gia đình giàu có ở Trung Quốc. Con cái trong những gia đình này thường bị tách khỏi bố mẹ và du học trong thời gian dài.
Hiện chưa rõ Mạnh Vãn Chu nhập cư Canada chính xác vào thời gian nào nhưng dường như điều đó không cản trở sự nghiệp của bà phát triển ở Trung Quốc. Trong giai đoạn 2003-2007, bà lập được nhiều thành tựu ở Huawei và đến năm 2011, Mạnh được bổ nhiệm làm giám đốc tài chính của tập đoàn do người cha Nhậm Chính Phi sáng lập năm 1987.
Tài liệu tòa án Canada cho thấy Mạnh Vãn Chu sở hữu đến 7 hộ chiếu, trong đó có 4 hộ chiếu Trung Quốc và ba hộ chiếu Hong Kong. Câu hỏi đặt ra là liệu bà có phải công dân Canada hay không? Điều này vẫn chưa được làm rõ, song theo Điều 9 Luật quốc tịch của Trung Quốc, việc nhập tịch nước ngoài chẳng khác nào từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, một tình huống có thể gây nguy hiểm cho người làm kinh doanh và cần phải được công bố. Những người nhập cư giàu có ở Trung Quốc thường tìm cách có được quốc tịch Canada cho vợ/ chồng hoặc con cái.
Luật sư của bà Mạnh đề nghị nộp tiền bảo lãnh và xin cho bà được tại ngoại với lý do sức khỏe. Phiên điều trần tiếp theo xem xét quyền bảo lãnh tại ngoại đối với bà Mạnh diễn ra trong ngày 10/12. Mạnh Vãn Chu có thể đối diện mức án tối đa 30 năm tù nếu bị kết tội và bị dẫn độ sang Mỹ.
Trung Quốc cáo buộc Canada đối xử "vô nhân đạo" với CFO Huawei Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/12 cáo buộc việc Canada tiếp tục cho tạm giam CFO tập đoàn Huawei dù bà có vấn đề ... |
Giám đốc Huawei bị bắt: Trung Quốc chỉ trích Canada đối xử vô nhân đạo với Mạnh Vãn Chu Trung Quốc chỉ trích Canada sau khi có thông tin nói rằng bà Mạnh Vãn Chu không được chăm sóc y tế đầy đủ trong ... |