Âu thuyền Tắc Thủ và cống Cà Mau là hai công trình thủy lợi được đầu tư hơn trăm tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả, hiện bỏ hoang.
Âu thuyền Tắc Thủ được khởi công năm 2001, khánh thành năm 2005, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, với gần 80 tỷ đồng. Dự án đặt tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu - Sông Trẹm, thuộc xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) và xã Khánh An (huyện U Minh).
Âu thuyền Tắc Thủ chắn ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu - Sông Trẹm. Ảnh: Minh Thanh. |
Công trình thi công bằng bêtông cốt thép, hình chữ U, dài hơn 200 m, rộng 14 m, trên diện tích 16 ha. Đây là một trong những đập thủy lợi có quy mô lớn mà Trung ương đầu tư cho tỉnh Cà Mau, nằm trong chương trình ngọt hóa bán đảo này 19 năm trước.
Nhiệm vụ của dự án là ngăn nước mặn xâm nhập vùng Bắc Cà Mau, bảo vệ hơn 200.000 ha đất thuộc vùng ngọt hóa. Tuy nhiên, khi xây xong, âu thuyền không đưa được nước ngọt về như dự kiến ban đầu. Mặt khác, người dân tự phát đưa nước mặn vào ruộng lúa nuôi tôm, nên kế hoạch ngăn mặn, giữ nước ngọt dẫn từ Phụng Hiệp - Hậu Giang về bị phá sản.
Con sông Ông Đốc nối liền sông Cái Tàu về U Minh chảy ra biển Tây, rồi theo dòng sông Trẹm về Kiên Giang - là tuyến vận tải đường thủy quan trọng nối Cà Mau với các tỉnh trong khu vực. Việc Âu thuyền chặn giữa ngã ba sông đã khiến các phương tiện thủy gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Sau những năm 2000, chính quyền địa phương phải lập ra Trạm quản lý và điều tiết giao thông âu thuyền, với hàng chục nhân viên vì lo sợ tai nạn xảy ra. Hiện nay, ngành chức năng cho đóng cửa vào hướng từ Cần Thơ về, chỉ mở cửa ra hướng từ Cà Mau đi các tỉnh.
Do không được sử dụng, bỏ hoang nhiều năm nên hiện tại, âu thuyền chỉ còn là những đống sắt thép khổng lồ. Các phao báo hiệu, ụ cầu tàu... đang gỉ sét, cỏ cây mọc um tùm. Riêng hai bộ cửa bằng thép được lắp ở hai đầu âu thuyền bị móp méo, hoen gỉ...
Những khối sắt thép của âu thuyền bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Hoàng Hạnh. |
Cách công trình trên khoảng 20 km, trước năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng cống Cà Mau trên kênh Phụng Hiệp, nằm tiếp giáp phường 4 và phường 5 của thành phố. Cống có 2 cửa, 16 m ngang, được đưa vào sử dụng năm 2001.
Cống Cà Mau có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ nguồn nước ngọt từ sông Hậu về; đồng thời tiêu úng, xả phèn cho vùng dự án phục vụ sản xuất lúa. "Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay cống cũng không phát huy hiệu quả", ông Trần Quốc Nam - Giám đốc Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau nói.
Cũng giống như âu thuyền Tắc Thủ, cống đã cản trở việc nuôi tôm của người dân. Ngoài ra, dọc tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, Cà Mau còn đến 22 cửa sông thông ra biển, chỉ với công trình này thì không ngăn được mặn để giữ ngọt.
Trước đây, kênh Phụng Hiệp dẫn nước ngọt về, là tuyến đường thủy huyết mạch vận tải hàng hóa nối Cà Mau, Cần Thơ, TP HCM. Khi cống ra đời, nước ứ đọng hôi thối đã "giết chết" con kênh đầy ắp tôm cá. Sau khi đóng được vài năm, cống bị bỏ hoang, trở thành vật cản ngăn tàu thuyền qua lại.
Cống Cà Mau trên kênh Phụng Hiệp. Ảnh: Minh Thanh. |
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang khởi công Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé, tại Kiên Giang sẽ phân ranh mặn ngọt theo kênh Trắc Băng dọc về tới sông Trẹm, Âu thuyền Tắc Thủ, hay Quản lộ Phụng Hiệp của Cà Mau, nhằm tạo hệ sinh thái sản xuất vụ lúa, vụ tôm trong năm.
"Nếu Âu thuyền Tắc Thủ không được sửa chữa thì hệ thống dẫn ngọt từ Dự án sông Cái Lớn - Cái Bé về Cà Mau vẫn không giữ được ngọt, không có tác dụng", ông Nam nói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bàn giao Âu thuyền Tắc Thủ cho Bộ Nông nghiệp để đầu tư, sửa chữa, nhằm kết hợp với hệ thống thủy lợi hiện có để phát huy công năng ban đầu, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Vị trí hai công trình ngăn mặn bỏ hoang. Ảnh: Thanh Huyền. |
Hoàng Hạnh
Xây cống ngăn mặn lớn nhất miền Tây Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có chi phí hơn 3.300 tỷ đồng sẽ điều tiết nguồn nước cho 384.000 ha đất ... |
Gần 240 tỷ đồng làm cống ngăn mặn ở miền Tây Cống Vũng Liêm sẽ giúp kiểm soát mặn và triều cường, tiêu úng, cải tạo gần 30.000 ha đất ở tỉnh Vĩnh Long và Trà ... |