Bé trai 18 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó cắn vào mặt, vành tai mất phần lớn sụn và da.
 

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa tiến hành phẫu thuật lần hai tạo hình vành tai cho cháu bé.

Giữa tháng 6, bé bị chó cắn tổn thương nặng nề ở tai. Sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương xong, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Thạc sĩ Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tổn thương của trẻ khá hiếm gặp do vành tai bị mất một phần lớn sụn và da của gờ luân, hõm thuyền, gờ đối luân…; phần sụn còn lại bị mất da và dập nát nhiều.

Ảnh minh họa

Các bác sĩ đánh giá nếu tạo hình vành tai ngay cho trẻ trong lần phẫu thuật đầu tiên là điều rất khó khăn vì thiếu tổ chức sụn và da, kèm theo nguy cơ nhiễm trùng do chó cắn. Vì thế, bác sĩ quyết định tạo hình vành tai cho bệnh nhi qua hai giai đoạn. Ban đầu bé được điều trị bảo tồn tối đa phần sụn còn lại bằng cách đặt sụn xuống tổ chức da sau tai. Gần ba tháng sau, bé tiếp tục được phẫu thuật lần hai để tạo hình vành tai. Các phẫu thuật viên đã dựng lại khung sụn, dùng vạt da lấy từ sau tai để tạo hình vành tai. Sau hai tuần, hiện vành tai của trẻ đã gần như trở về bình thường.

Trẻ bị tai nạn do chó cắn vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương khá phổ biến. Bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình nuôi chó thì cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ.

Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được sơ cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/hai-lan-mo-de-tao-hinh-vanh-tai-bi-cho-can-cho-be-trai-ha-noi-3648086.html

/ Theo Phương Trang/Vnexpress