Chiều 22.11.2019, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L’Espace và Công ty sách Thái Hà tổ chức một buổi tọa đàm thú vị về ''Văn học ẩm thực’’ - thông qua 3 cuốn tùy bút ẩm thực của 2 nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li.
Chiều 22.11.2019, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L’Espace và Công ty sách Thái Hà tổ chức một buổi tọa đàm thú vị về ''Văn học ẩm thực’’ - thông qua 3 cuốn tùy bút ẩm thực của 2 nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li.
Trên thế giới, ẩm thực là đề tài không được nhiều nhà văn quan tâm, nhưng nó vẫn không vắng bóng trong văn chương, bởi một hấp lực riêng. Qua các tác phẩm có liên quan tới ẩm thực đã ấn hành, bằng nhiều hình thức (tản văn, tùy bút, hồi ký, du ký…), người viết đã không chỉ đưa ra các thông tin đơn thuần về đồ ăn/thức uống, mà còn phản ánh những giá trị về thẩm mỹ tinh tế trong thưởng thức ẩm thực, qua đó, thể hiện được những nét văn hóa, xã hội ở từng vùng đất.
Việt Nam có truyền thống ẩm thực lâu đời với hơn 3.000 món ăn rải rác khắp mọi miền, cho thấy ẩm thực là một phần quan trọng của văn hóa, nhưng cũng mới chỉ có ít tác phẩm đề tài ẩm thực của một số nhà văn như: Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn… Nay thì, đã có thêm một số nhà văn theo đuổi nhánh văn học này, như Nguyễn Quang Thiều và Di Li…
Nguyễn Quang Thiều là tác giả của 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch, đã nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước và quốc tế. Tiểu thuyết ''Kẻ ám sát cánh đồng’’ của ông được chuyển thể thành bộ phim ''Chuyện làng Nhô’’ phát sóng trên VTV. Năm 2017, NXB Trẻ đã ấn hành cuốn “Mùi của ký ức” của Nguyễn Quang Thiều, trong đó ắp đầy tình quê cùng hương vị của những món ăn dân dã khó quên.
“Mùi của ký ức” gồm 18 tùy bút - ghi lại những ký ức tuổi thơ, những ấn tượng về các món ăn bình dị làm nên hương vị làng Chùa ở huyện Ứng Hòa (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) - quê hương của nhà văn - từ món bánh khúc, bánh đúc riêu cua, cà dầm tương, các món gỏi cua, gỏi cá, món xáo chuối, các món bánh, món tráng miệng … Gắn với những món ăn đó là hình ảnh thân thương của những người thân trong gia đình và bà con hàng xóm.
Trong khi đó, bộ đôi tùy bút ẩm thực ''Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa’’ và ''Nửa vòng trái đất uống một ly trà’’ của nữ nhà văn Di Li, vừa được ra mắt, lại mang phong cách khác hẳn văn phong ẩm thực của các thế hệ đi trước. Xuyên suốt 107 câu chuyện, tác giả tái hiện sinh động về ẩm thực bằng cả 5 giác quan. Có thể coi đây là bộ đôi tùy bút ẩm thực đầu tiên viết về những món ăn vòng quanh thế giới và Việt Nam. Trong đó, ẩm thực Hà Nội chiếm một vị trí trân trọng nhất, đong đầy hồi ức tuyệt đẹp về nơi tác giả đã sinh ra và lớn lên.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: ''Đọc 2 cuốn sách của Di Li, tôi nhớ đến câu nói của một nhà văn nước ngoài; ''Mang tên con người thì dễ. Làm một con người thì khó. Đừng hỏi người đã bước đi nhiều. Hãy hỏi người đã nhìn thấy nhiều’’. Lắm người khoe đã đi nhiều nơi, nhiều nước, nhưng rút lại chẳng nhìn thấy gì. Di Li thì khác. Cô đã đi nhiều, đã nhìn thấy nhiều, và đã trải nghiệm cái thấy, và viết cái thấy trải nghiệm ấy thành văn…’’.
Dịp này, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đồng thời trưng bày hơn 20 minh họa trong 3 cuốn sách ẩm thực nói trên, do các họa sĩ Dũng Choai và Lê Thiết Cương thể hiện.
Quanh chương trình ''Văn học ẩm thực’’ này, có một điểm chung thú vị: Các tác phẩm trong 3 cuốn tùy bút ẩm thực nói trên là tập hợp các bài viết đã đăng trên báo Lao Động Cuối Tuần, khi 2 nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li tham gia chuyên mục “Ẩm thực’’ của báo. Còn họa sĩ Lê Thiết Cương là một cộng tác viên tích cực của Lao Động Cuối Tuần và họa sĩ Dũng Choai từng làm việc tại báo Lao Động.