ANCM là hội nghị thường niên của những người đứng đầu lực lượng Hải quân ASEAN nhằm trao đổi về các vấn đề liên quan tới tình hình thế giới và khu vực, trong đó có vấn đề hòa bình và an ninh ở Biển Đông đồng thời thảo luận về các phương hướng, biện pháp nhằm tăng cường hiểu biết, hợp tác giữa lực lượng Hải quân ASEAN vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Kế hoạch cho một cuộc tập trận chung của lực lượng Hải quân ASEAN được đưa ra thảo luận tại ANCM lần thứ 16 cho thấy, các nước thành viên mong muốn tăng cường hợp tác trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và căng thẳng. Trong động thái mới nhất, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 55 tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên đã ra Tuyên bố chung ngày 5-8 bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo trái phép các đảo và thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc. “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình Biển Đông, trong đó một số Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động, sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm thiệt hại môi trường biển làm xói mòn sự tin tưởng và niềm tin, và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực” - Tuyên bố chung của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhấn mạnh.
Tất cả những ai quan tâm tới tình hình Biển Đông đều thấy rất rõ những hành động, việc làm leo thang căng thẳng tại vùng biển chiến lược quan trọng này của Trung Quốc. Đặc biệt là việc quốc gia này ráo riết tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông nhằm dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi pháp đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế cũng như bị cộng đồng quốc tế lên án và bác bỏ.
Trung Quốc thời gian dài qua đã tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông, từ việc bồi đắp trái phép các đảo nổi nhân tạo để thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, quốc gia này cũng đổ tiền đổ của để phát triển lực lượng hải quân với tâm điểm là biên đội tác chiến tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo cùng máy bay chiến đấu tàng hình. Thế giới và khu vực đang hết sức lo ngại khi Trung Quốc sau khi đã tổ chức tới 51 cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông trong năm 2021 đã tổ chức tới hơn 40 cuộc tập trận ở vùng biển này chỉ trong hơn 6 tháng đầu năm 2022.
Nỗ lực hợp tác song phương và đa phương ở Biển Đông
Viễn cảnh Trung Quốc dùng sức mạnh kiểm soát vùng biển địa chính trị quan trọng, có tuyến vận tải biển huyết mạnh của nền kinh tế toàn cầu như Biển Đông là điều mà cộng đồng quốc tế không thể không lo ngại sâu sắc, đặc biệt là những quốc gia khu vực. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế không chỉ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông mà ngày càng có thêm những hành động cụ thể để thể hiện điều này, khẳng định sự thượng tôn pháp luật, sự tự do hàng hải và hàng không cũng như tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan.
Bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp trả tham vọng đòi chủ quyền phi pháp, ứng phó với thách thức thức an ninh cùng mối đe dọa tự do hàng hải, hàng không xuất phát từ Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong khu vực Biển Đông và các nước liên quan nhằm bảo vệ không gian sinh tồn, lợi ích hợp pháp, lợi ích chiến lược của mình. Bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của mỗi quốc gia, các nước trong khu vực, trong đó có các thành viên ASEAN, rất coi trọng hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các quốc gia thành viên hiệp hội trong việc ứng phó với mối đa dọa an ninh chung, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Thời gian qua, các nước ASEAN có biển cùng với việc chú trọng nâng cao khả năng quốc phòng bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình cũng tham gia những hoạt động diễn tập, tập trận nhằm tăng cường hợp tác cũng như nỗ lực vì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông. Các hoạt động này có thể là hợp tác song phương, đa phương giữa các thành viên ASEAN hay đa phương, song phương giữa một thành viên của hiệp hội với một đối tác ngoài khu vực. Trong đó, mới đây nhất, Hải quân hai nước ASEAN là Malaysia và Philippines đã tiến hành đợt tập trận chung tại căn cứ Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) ở Lumut, bang Perak của Malaysia vào cuối tháng 7 vừa qua. Cuộc tập trận song phương này, theo tuyên bố chung của hai bên Malaysia và Philippines là một phần của chương trình ngoại giao quốc phòng giữa hải quân hai nước nhằm tăng cường hợp tác và củng cố an ninh hàng hải trong khu vực. Đáng chú ý, cuộc tập trận lần đầu tiên có sự tham gia của máy bay tuần tra hàng hải và trực thăng chống ngầm.
Một trong những hoạt động hợp tác vì hòa bình và an ninh trên biển cũng được các thành viên ASEAN chú trọng là tham gia các cuộc diễn tập, tập trận đa phương với các quốc gia có tiềm lực hải quân mạnh trên thế giới. Trong đó, 6 quốc gia ASEAN gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Brunei đã tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) lần thứ 28 diễn ra từ ngày 29-6 đến 4-8-2022 tại Mỹ.
RIMPAC 2022 có sự tham gia của khoảng 25.000 binh sĩ, 38 tàu nổi, 4 tàu ngầm và hơn 170 máy bay quân sự từ 26 quốc gia với các hoạt động đổ bộ, tập trận pháo, tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không, cũng như các hoạt động chống cướp biển, rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ… Tập trận RIMPAC 2022 nhằm thiết lập, phối hợp mạng lưới các đối tác có năng lực, thích ứng và hoạt động cùng nhau để tăng cường sức mạnh tập thể và cùng thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Việt Nam đã lần đầu tiên tham gia RIMPAC diễn ra năm 2018.
Trong bối cảnh đó, cuộc tập trận chung giữa các nước thành viên ASEAN là hoạt động tăng cường hiểu biết, hợp tác giữa lực lượng Hải quân ASEAN, đồng thời là nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh ở Biển Đông.
https://www.anninhthudo.vn/hai-quan-asean-hop-tac-vi-hoa-binh-va-an-ninh-o-bien-dong-post514662.antd