“Nếu tôi thắng cử, chúng ta sẽ lập tức khởi đầu một cuộc bùng nổ kinh tế hoàn toàn mới mang tên Donald Trump”. Đây là tuyên bố của ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump trong bài phát biểu dài hơn 1 tiếng trước những người ủng hộ ở thành phố Asheville, bang North Carolina ngày 15/8 (giờ Việt Nam).
Những cam kết lớn về chính sách kinh tế được cựu Tổng thống Mỹ công bố trong bối cảnh đối thủ thuộc đảng Dân chủ Kalama Harris cũng đang tăng tốc và có nhiều bứt phá về tỉ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.
CNBC ngày 15/8 đưa tin, trong chặng đua nước rút hướng tới Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã đưa ra hàng loạt cam kết lớn về kinh tế trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố Asheville, bang North Carolina. Nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri, những cam kết của ứng viên đảng Cộng hoà tập trung vào việc giải quyết lạm phát, thúc đẩy sản lượng năng lượng và nâng cao mức sống của người dân Mỹ.
Cụ thể, trong bài phát biểu dài 75 phút trước những người ủng hộ, ông Donald Trump tuyên bố sẽ đảo ngược các hạn chế dưới thời Tổng thống Joe Biden về sản xuất nhiên liệu hoá thạch, sử dụng mọi công cụ cần thiết để hạ nhiệt lạm phát trong năm đầu tiên khi lên nắm quyền, bãi bỏ tất cả các khoản thuế đối với trợ cấp an sinh xã hội và gia hạn chương trình giảm thuế mà ông khởi xướng hồi năm 2017 khi còn là tổng thống. Ông Donald Trump khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ đủ để giúp nước Mỹ trả hết nợ, đồng thời cam kết giảm giá năng lượng từ 50-70% trong từ 12-18 tháng. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ứng cử viên đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ tăng cường cấp phép khai thác, thăm dò đất liên bang, nới lỏng quy trình cấp phép cho đường ống cùng với các biện pháp khác nhằm hạ giá tiêu dùng.
CNBC dẫn lời ông Donald Trump nhấn mạnh: “Nếu tôi thắng cử, chúng ta sẽ lập tức khởi đầu một cuộc bùng nổ kinh tế hoàn toàn mới mang tên Donald Trump”.
Truyền thông Mỹ mô tả, cựu Tổng thống Donald Trump xuất hiện rất ấn tượng trong sự kiện vận động tranh cử ở Asheville, khi đằng sau bục phát biểu của ông là những banner lớn với dòng chữ “Không thuế an sinh xã hội” và “Không thuế tiền boa”. Tuy nhiên, theo Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giám sát các vấn đề về ngân sách liên bang Mỹ, đề xuất gia hạn Đạo luật về Việc làm và Cắt giảm thuế 2017 của ông Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tới năm 2035 tăng thêm 5 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, việc giảm thuế với phúc lợi an sinh xã hội sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng thêm 1,6 nghìn tỷ USD và thêm 250 tỷ USD nữa nếu giảm thuế tiền boa.
Mặc dù vậy, một khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề công (NORC) thực hiện chỉ ra rằng, người dân Mỹ có xu hướng tin tưởng ứng cử viên Donald Trump hơn so với bà Kalama Harris trong việc giải quyết vấn đề kinh tế. Tỉ lệ ủng hộ ông Donald Trump và bà Kalama Harris trong vấn đề này lần lượt ở mức 45% và 38%. Bên cạnh vấn đề kinh tế, trong bài phát biểu của mình, ông Donald Trump cũng dành thời gian để nêu bật điểm khác biệt đối với đảng Dân chủ liên quan đến các vấn đề quen thuộc như biên giới Mỹ-Mexico, công kích đối thủ Kamala Harris trong một số vấn đề như ủng hộ lệnh cấm sử dụng công nghệ bẻ gãy thủy lực để khai thác dầu khí đá phiến.
Về phần mình, bà Kamala Harris dự kiến sẽ đến North Carolina vào ngày 16/8 và có bài phát biểu về chính sách kinh tế tại thành phố Raleigh. Một thành viên trong đội ngũ vận động tranh cử của bà cho biết, Phó Tổng thống sẽ vạch ra một kế hoạch giảm chi phí cho các gia đình trung lưu và giải pháp cho việc các công ty tăng giá. Dự kiến trong 3 tuần tới, đội ngũ tranh cử của bà Harris sẽ chi 90 triệu USD nhằm tăng cường hình ảnh của đảng Dân chủ trong mắt cử tri. Đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong chiến dịch của bà khi chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến cuộc bầu cử.
Theo Reuters, kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy Phó Tổng thống Harris có những bứt phá mới về tỉ lệ ủng hộ. Kết quả khảo sát của Cook Political Report (CPR) được công bố hôm 14/8 chỉ ra rằng, bà Kalama Harris dẫn trước ông Donald Trump một điểm ở tổng thể các bang chiến địa gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin, với tỉ lệ 48% - 47%. Và 5% số người được hỏi còn lại cho biết họ chưa quyết định chọn ứng viên nào hoặc sẽ không đi bỏ phiếu. Kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử hôm 21/7, bà Harris đã thay đổi cục diện trong các cuộc khảo sát toàn quốc và ở bang chiến trường. Số liệu trung bình từ 114 cuộc thăm dò toàn quốc mà The Hill/Decision Desk HQ tổng hợp, bà Kalama Harris dẫn trước ông Donald Trump 1,4 điểm.
Trong một diễn biến có liên quan, Google mới đây xác nhận rằng các tin tặc được Iran hậu thuẫn đang nhắm mục tiêu vào chiến dịch tranh cử của các ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris. Cụ thể, theo báo cáo về các mối đe dọa do Google công bố ngày 15/8 (giờ Việt Nam), nhóm hacker APT42 có liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã theo dõi hoạt động của các cá nhân, tổ chức cấp cao ở Israel và Mỹ, bao gồm các quan chức chính phủ và các chiến dịch chính trị.
Báo cáo cho biết, Google tiếp tục phát hiện những nỗ lực không thành công từ APT42 nhằm xâm phạm tài khoản của các cá nhân có liên hệ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Nhóm hacker hoạt động bằng cách thu thập thông tin về các mục tiêu và nỗ lực thực hiện các biện pháp để lừa nạn nhân tiết lộ thông tin đăng nhập vào các tài khoản như Gmail. Trước đó, đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Kalama Harris xác nhận, hồi tháng trước, họ đã được Cục Điều tra Liên bang (FBI) thông báo rằng, đội ngũ này đã bị nhắm mục tiêu bởi hoạt động gây ảnh hưởng của nước ngoài.
Hôm 12/8, FBI cũng cho biết đang tiến hành điều tra sau khi đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump tuyên bố trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng. Chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã ám chỉ Iran đứng sau nỗ lực tấn công này, trong đó các tài liệu mà họ sử dụng để thẩm tra ứng cử viên Phó Tổng thống J.D. Vance đã bị rò rỉ. Tuy nhiên, phía Iran phủ nhận hoàn toàn cáo buộc trên. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo Iran về những hậu quả của việc can thiệp bầu cử.