Mặc dù hầm đi bộ trên địa bàn TP Hà Nội rất thoáng mát, sạch đẹp nhưng nhiều người vẫn thờ ơ, chọn cách băng lòng đường tiềm ẩn nguy hiểm.
- Không nên cấm người dân đi bộ, chụp ảnh trên cầu Long Biên
- Xử lý nhiều trường hợp đi xe đạp, xe máy trong phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm
Để giảm tải ùn tắc và phòng tránh tai nạn giao thông, những năm qua, TP Hà Nội đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hầm dành cho người đi bộ. Nhưng nhiều người vẫn thờ ơ bỏ qua các hầm này.
Ghi nhận của PV VTC News, tại các hầm cho người đi bộ ở Ngã Tư Sở, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng… không gian sạch sẽ, thoáng mát do được dọn vệ sinh thường xuyên.
Chị Lê Thị Lan (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết, bản thân chị thấy hầm đi bộ rất sạch sẽ, nhất là vào mùa hè, che được nắng nóng và khá mát. "Hầm cũng rất an toàn vậy mà nhiều người vẫn chê. Điều này thật khó chấp nhận vì TP đã bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư, nhưng họ lại không sử dụng”, chị Lan nói.
Hầm đi bộ Ngã Tư Sở có rất nhiều biển chỉ dẫn để người dân tiện quan sát. Nhưng có thời điểm hầm đi bộ ở đây không một bóng người.
Mặc dòng xe máy, ô tô nối đuôi nhau di chuyển trên tuyến đường Láng Hạ, nhiều người đi bộ vẫn không sử dụng hầm mà tìm đủ mọi cách băng qua đường gây cản trở giao thông...
...và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Hầm đi bộ tại Ngã Tư Sở có làn dành cho xe đạp. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn vô tư dắt xe đạp qua đường.
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân ít sử dụng hầm đi bộ, như hầm khá dài và vắng, nhiều điểm không có bảo vệ quan sát, chỉ dẫn...
Tại hầm đi bộ trên đường Khuất Duy Tiến gần như vắng người qua lại.
Chị Hạnh (ở Nguyễn Tuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy hầm đi bộ rất tiện lợi và sạch đẹp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên lắp thêm camera giám sát tại hầm đi bộ Khuất Duy Tiến để người dân có cảm giác được đảm bảo an ninh, an toàn”.
Thay vì dùng hầm đi bộ vừa mát mẻ vừa an toàn, nhiều người vẫn chấp nhận nắng nóng băng qua đường chỉ vì tiện lợi.
Vì tiện cho bản thân mà không ít người cản trở, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện khác.
Trên đường Khuất Duy Tiến có 2 hầm đi bộ, song nhiều người dân vẫn thờ ơ, ít sử dụng với các công trình công cộng được TP Hà Nội đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng.
Lý do mà nhiều người đưa ra chính là đi trên đường nhanh và tiện hơn sử dụng hầm đi bộ nên cứ thế qua đường dù biết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hiện trên địa TP Hà Nội có khoảng 23 hầm đi bộ đang hoạt động. Trong đó, trên đường Vành đai 3 có 17 hầm đi bộ, nút giao đường 32 với đường 70 có 4 hầm đi bộ, 2 hầm đi bộ ở nội thành là Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt.
https://vtc.vn/ham-di-bo-o-ha-noi-bi-bo-quen-nhieu-nguoi-bat-chap-nguy-hiem-qua-duong-ar691173.html