Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND TP.Hà Nội Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.Hà Nội.

Báo cáo sự cố y khoa để tránh sai sót
Du học rồi thất nghiệp, lương bèo: Góc tối của du học
Cán bộ Hà Nội phải hạn chế dùng tiếng địa phương, không nói ngọng, nói lắp, nói trống không. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Đại đoàn kết

Một trong những chuẩn mực được quy định là cán bộ, công chức không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.

Quy định này cũng cần thiết, nhưng tiêu chí nào để xác định một phát ngôn tùy tiện, phiến diện cũng cần phải được nêu rõ. Đối với người này thì phiến diện, nhưng đối với người khác thì không, hoặc đối với người này thì tùy tiện, nhưng người khác không nghĩ như vậy.

Nếu hạn chế phát ngôn của công chức, viên chức, người lao động mà không hợp lý thì xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của họ. Mỗi người đều có quyền bày tỏ quan điểm trên cơ sở tôn trọng và chấp hành pháp luật, những đánh giá theo cảm tính cá nhân không thể xem đó là chuẩn mực.

Mới đây, Thành ủy Cần Thơ có công văn gửi đến các ban cán sự đảng, các đơn vị trực thuộc Thành ủy, các sở, ban, ngành và địa phương, yêu cầu “chấn chỉnh việc sử dụng mạng xã hội trong cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn”. Cụ thể, “các cơ quan liên quan cần kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh việc sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin có nội dung xấu, độc, xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước, hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức xã hội, xâm phạm đời tư…”.

Nội dung “cần ngăn chặn” nêu trong công văn trên tương đối rõ ràng, dĩ nhiên ai cũng biết thế nào là xâm phạm đời tư, thế nào là trái thuần phong mỹ tục hoặc xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Cho nên, dự thảo quy định của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, nếu không thì rất khó thực hiện. Một quy định được ban hành nhưng không có căn cứ để áp dụng thì coi như thất bại, mất thì giờ vô ích.

Còn thêm một quy định này tưởng cũng cần góp ý, đó là: “Cán bộ, công chức Hà Nội được khuyên hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ”.

Xin thưa với quý vị soạn thảo văn bản này nhé, chuyện nói ngọng, nói lắp làm sao hạn chế, và biết như thế nào là hạn chế. Một người bị nói ngọng hay nói lắp đến tuổi làm công chức rồi thì làm sao sửa được. Quy định điều này có thể làm tổn thương người nói ngọng, nói lắp. Họ bị tật này đâu phải lỗi do họ.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/han-che-noi-ngong-noi-lap-e-kho-lam-568052.ldo

/ Lê Thanh Phong/Báo Lao động