Hàng nghìn diện tích khô hạn, nhiều dòng kênh kiệt nước, tất cả diện tích rừng như nằm trên chảo lửa. Hàng chục nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sụp lở đất nhiều nơi... Tất cả đã đẩy ĐBSCL vào đỉnh điểm của hạn mặn, cao hơn mức hạn mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015 - 2016. 

\\"\\"
Khô hạn năm 2020 khốc liệt hơn năm 2015 - 2016. ảnh: Nhật Hồ

Thiệt hại tính từng ngày

Ông Nguyễn Long Hoai - Chi cục Thủy lợi Cà Mau - nhận định: “Diện tích lúa thiệt hại tại Cà Mau đã vượt qua con số 16.500ha. Trong khi đó, hệ thống cống, đập và kênh thủy lợi vùng ngọt gần như không còn nước”. Cũng tại tỉnh này, trên 40.000ha rừng U Minh Hạ báo động cháy cấp 4, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong đó có trên 10.000ha có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào.

Tại Sóc Trăng, có khoảng 1.000ha bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Trong thời gian tới, nếu tình hình hạn, mặn kéo dài thì diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng khoảng 600ha (vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt); Cây ăn trái khoảng 4.000ha, rau màu khoảng 1.000ha do thiếu nguồn nước ngọt. Đối với nước sinh hoạt nông thôn, có đến trên 24.300 hộ dân có khả năng thiếu nước trong thời gian tới.

Tại Bạc Liêu, con số thiệt hại được tính từng ngày. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết: “Tiểu vùng giữ ngọt ổn định nguy cơ thiếu nước ngọt dự kiến 5.400ha, nguy cơ xấu nhất, diện tích có thể tăng lên đến 6.000ha; đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất, dự kiến có 5.000ha tôm bị thiệt hại; đối với vùng Nam Quốc lộ 1A, dự báo 4.000ha tôm nuôi bị thiệt hại… thời gian khó khăn nhất vào tháng 3.2020”.

Không chỉ cây lúa mà cả con tôm sống vùng mặn cũng sợ mặn. Bạc Liêu dự báo có đến trên 9.000ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại; Cà Mau có đến 24.000ha, Sóc Trăng trên 4.000ha… nguyên nhân do nước quá mặn vượt ngưỡng sinh trưởng của tôm.

Đời sống xáo trộn

Tại Cà Mau có đến trên 26.500 hộ dân tại các huyện Trần Văn Thời, Thời Bình, U Minh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau - lý giải: “Cà Mau là tỉnh duy nhất ĐBSCL không có dòng nước ngọt sông Hậu, sông Tiền chảy vào. Nhiều nơi không có nước ngọt, thậm chí không thể khoan giếng nước ngọt được, sinh hoạt chủ yếu bằng nước mưa, nước máy đổi từ các nơi khác. Chính vì vậy hạn, mặn gay gắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân”.

Trong khi đó, ông Hồ Hoàn Tất - Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Cà Mau - lo lắng: “Toàn tỉnh đã sụp lở đến 14km đường giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường bị sụp, lún không thể lưu thông được. Nguyên nhân do các dòng kênh kiệt nước, gây nên hiện tượng sụp, lở ảnh hưởng nghiêm trọng”. Ông Tất cho biết: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, giải pháp khắc phục rất khó, rất phức tạp, mà hiện nay tình trạng này đang trải rộng tại nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Đồng loạt xin hỗ trợ

Trước tình hình hạn mặn xâm nhập sâu vào đất liền, trong hai ngày 9 và 10.2, Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác hạn mặn tại nhiều tỉnh ĐBSCL. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguy cơ hạn, mặn năm nay khốc liệt hơn giai đoạn 2015 - 2016. Bộ đã có dự báo trước nên không bất ngờ. Tuy nhiên, cần phải chủ động để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Trước tình hình hạn mặn diễn ra gay gắt, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn, mặn cho Bạc Liêu hơn 150 tỉ đồng. Tỉnh Sóc Trăng xin hỗ trợ 100 tỉ đồng cho năm 2020 và 1.268 tỉ đồng cho các năm tiếp theo để hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, các giải pháp công trình, phi công trình khác. Cà Mau cũng xin Trung ương hỗ trợ trên 1.600 tỉ đồng để gia cố các đoạn kè và phòng chống hạn mặn.

Sau khi kiểm tra thực tế các địa phương, Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Hạn mặn năm 2020 gay gắt hơn năm 2015 - 2016. Tuy nhiên nhờ chủ động dự báo trước nên các địa phương không lúng túng. Trước mắt cần phát huy hệ thống thủy lợi hiện có củng cố bờ bao, tích nước tưới tiêu cây trái, hoa màu. Lâu dài các địa phương cần nghiên cứu các loại cây, con phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt hơn”. 

NHẬT HỒ

\\"\\" Nhóm nghiên cứu phủ nhận việc tuyên bố TPHCM và ĐBSCL sắp bị xóa sổ

Các chuyên gia của Climate Central khẳng định họ không dùng từ xóa sổ khi nói về tình trạng giảm độ cao của Đồng bằng ...

\\"\\" Doanh nghiệp vùng ĐBSCL cần nắm bắt cơ hội khi EVFTA thông qua

Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, các DN vùng ĐBSCL cần hiểu rõ yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an ...

\\"\\" Có cơ chế riêng, ĐBSCL mới \\"cất cánh\\"

Với cơ chế tài chính như hiện nay thì rất khó điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vào ĐBSCL, việc huy động ...

/ laodong.vn