Việc Hàn Quốc ngừng chia sẻ thông tình báo quân sự với Nhật Bản sẽ khiến Seoul hứng chịu tổn hại lớn hơn về an ninh quốc gia. 

han quoc co the mac sai lam voi nhat
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/8 quyết định không gia hạn Thỏa thuận Hợp tác Thông tin An ninh Quân sự Chung (GSOMIA) với Nhật Bản nhằm trả đũa các động thái hạn chế thương mại của Tokyo giữa lúc căng thẳng giữa hai nước leo thang.

Thỏa thuận GSOMIA được ký kết vào năm 2016, cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc trao đổi trực tiếp thông tin tình báo quân sự nhạy cảm trong khu vực, bao gồm dữ liệu về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, thay vì thông qua Mỹ, nước đã thiết lập hai thỏa thuận chia sẻ tin tình báo riêng rẽ với Tokyo và Seoul.

Với quyết định không gia hạn GSOMIA, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ chương trình tên lửa Triều Tiên, cũng như những mối đe dọa an ninh khác trong khu vực, theo John Lee, học giả tại Viện Hudson ở Washinhton kiêm giáo sư Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, Australia.

Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành 6 vụ thử vũ khí chiến thuật tầm ngắn kể từ ngày 25/7. Dù Tổng thống Moon Jae-in luôn chìa tay hữu nghị với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những vụ thử tên lửa, pháo phản lực này cho thấy Bình Nhưỡng vẫn là mối đe dọa sống còn thực sự đối với Seoul.

Hàn Quốc từng tìm cách xây dựng quan hệ gắn kết hơn với các nước ngoài đồng minh Nhật, Mỹ, để rồi sau đó rút ra bài học thấm thía. Sau khi nhậm chức tổng thống Hàn Quốc năm 2013, bà Park Geun-hye lập tức có động thái xích lại gần Trung Quốc, thay vì quá dựa dẫm vào Mỹ. Bà mô tả chuyến thăm cấp nhà nước lần tiên đến Bắc Kinh hồi tháng 6/2013 là "chuyến thăm của trái tim và lòng tin".

Hai năm liên tiếp sau đó, Hàn Quốc được hưởng lợi nhờ thay đổi chính sách ngoại giao với Trung Quốc với mối quan hệ giữa đôi bên được đánh giá là gần gũi và nồng ấm nhất từ trước tới nay. Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tình hữu nghị Hàn - Trung lên đỉnh điểm khi bà Park đến Bắc Kinh dự cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II vào năm 2015, dù lãnh đạo các nước như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) không tới sự kiện này.

Tuy nhiên, chính quyền bà Park tan vỡ ảo tưởng về mối quan hệ với Trung Quốc khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 ngày 1/6/2016. Sau vụ thử, bà Park cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhưng quyết định này vấp phải phản ứng giận dữ từ Trung Quốc.

Mối quan hệ Trung - Hàn vừa chớm nồng ấm đã trở nên nguội lạnh từ năm 2017, khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt không chính thức đối với Seoul để đáp trả quyết định trên, khiến nền kinh tế Hàn Quốc thiệt hại 7,5 tỷ USD.

Những sự kiện này cho thấy Nhật vẫn là quốc gia thân thiện nhất với Hàn Quốc ở khu vực Đông Bắc Á. Tranh cãi ngoại giao hiện nay giữa Hàn Quốc và Nhật Bản dường như sẽ làm gián đoạn lợi ích quốc gia của cả hai nước, giới quan sát nhận định.

Năm ngoái, Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc hai công ty Nhật phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945). Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản cho rằng phán quyết trên vi phạm thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1965, trong đó đồng ý khép lại vấn đề cưỡng bức lao động.

Hồi tháng 7, Nhật Bản thông báo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại hóa chất quan trọng để sản xuất màn hình và linh kiện bán dẫn. Đến đầu tháng 8, Nhật quyết định loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" các nhà nhập khẩu uy tín gồm những nước được phép mua sản phẩm và công nghệ Nhật Bản có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Nhật Bản nói những động thái trên xuất phát từ các lý do an ninh và sự suy giảm lòng tin với Hàn Quốc.

Học giả John Lee cho rằng căng thẳng song phương có thể được giải quyết êm đẹp khi Seoul nhượng bộ một chút trong vấn đề lịch sử, trong đó có vấn đề lao động cưỡng bức, để tạo điều kiện cho Tokyo đảo ngược những quyết định trên.

han quoc co the mac sai lam voi nhat
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi cuối tháng 6. Ảnh: Reuters.

Song quyết định của Hàn Quốc chấm dứt GSOMIA với Nhật Bản làm tiêu tan mọi hy vọng về việc hàn gắn mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo trong tương lai gần.

John Lee nhận xét để mối quan hệ chuyển biến xấu đến mức như hiện nay không có lợi cho Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, hai nước đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á, nhưng Hàn Quốc sẽ gánh chịu hậu quả lớn hơn nhiều so với Nhật.

Dưới thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã trở thành đồng minh quan trọng và quyền lực nhất của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là việc nước này hợp tác với Australia và Mỹ để thực hiện chiến lược "Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tự do và rộng mở".

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn cam kết "ba không" với Trung Quốc để được Bắc Kinh chấm dứt cuộc tẩy chay thương mại không chính thức nhằm trừng phạt việc Seoul cho phép Washington triển khai THAAD. Cam kết "ba không" bao gồm không triển khai thêm hệ thống THAAD, không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực và không liên minh quân sự ba bên với Mỹ và Nhật Bản.

Khi trút lửa giận vào Nhật Bản và quyết định đình chỉ hiệp định chia sẻ thông tin tình báo, Hàn Quốc dường như đã quên mất một thực tế rằng các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên chỉ có thể nhắm đến lãnh thổ nước này. Trong khi đó, Nhật Bản sở hữu những hệ thống cảm biến hiện đại, có thể kịp thời chia sẻ với Hàn Quốc những thông tin tình báo giá trị về các hoạt động tên lửa của Triều Tiên.

John Lee cho rằng với việc chấm dứt thỏa thuận GSOMIA, Hàn Quốc đã nhầm lẫn đâu là mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích của nước này.

Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết thỏa thuận GSOMIA rất quan trọng đối với an ninh khu vực. "Trong hàng loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, hai bên đều có trao đổi thông tin kỹ lưỡng và cẩn thận", Iwaya nói với phóng viên hôm 23/8. Ông cảnh báo việc hủy bỏ thỏa thuận sẽ khiến hợp tác quốc phòng song phương khó khăn hơn.

Khi không có những cơ chế hợp tác như GSOMIA, quân đội hai nước có thể gặp khó khăn hơn trong việc theo dõi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhà phân tích Tobias Harris từ hãng tư vấn Teneo, cho biết.

"Chấm dứt GSOMIA không chỉ là đi nước cờ sai để gây sức ép với Nhật Bản mà còn chẳng có lợi cho an ninh của chúng tôi", cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Cho Tae-yong, người từng tham gia nỗ lực ký kết thỏa thuận GSOMIA, cho hay.

Trong khi đó, Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng quyết định của Hàn Quốc không chỉ khiến họ gặp khó, mà còn gây tổn hại trực tiếp lợi ích của cả Mỹ trong khu vực, trong bối cảnh kho tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên đang gia tăng nhanh chóng.

"Đây là những gì mà chính sách 'Nước Mỹ trên hết' mang lại cho chúng ta: Mọi người hành động ích kỷ thay vì phục vụ mạng lưới hợp tác của các đối tác", Russel nói.

Tờ New York Times cho rằng việc Hàn Quốc dừng thỏa thuận GSOMIA với Nhật Bản là động thái "hai bên cùng thua" vì nó sẽ làm suy yếu nguồn thông tin tình báo quan trọng của hai nước về Triều Tiên và Trung Quốc. Xung đột Hàn - Nhật không chỉ gây tổn hại rõ ràng đối với nền kinh tế và an ninh hai nước mà còn tổn hại cả các lợi ích của Mỹ trong khu vực, vốn dựa vào mối quan hệ lành mạnh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hồng Vân (Theo Diplomat, Reuters, NYTimes)

han quoc co the mac sai lam voi nhat Hàn Quốc chỉ trích Nhật không trung thực
han quoc co the mac sai lam voi nhat Mỹ quan ngại về cuộc tập trận của Hàn Quốc trên đảo tranh chấp với Nhật
han quoc co the mac sai lam voi nhat Hàn Quốc triệu tập đại sứ Nhật trong căng thẳng thương mại
han quoc co the mac sai lam voi nhat Hàn Quốc triệu đại sứ Nhật

/ vnexpress.net