Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật dẫn đến tình trạng rối loạn chính trị tại xứ sở kim chi, khiến người dân phẫn nộ đòi ông từ chức. Cảnh sát đang điều tra và phe đối lập đang tiến hành quy trình luận tội ông vì quyết định được mô tả là “sai lầm” này.

6 giờ rối loạn vì thiết quân luật

Trong bài phát biểu khẩn cấp trên truyền hình gửi đến toàn quốc vào đêm 3/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố áp đặt thiết quân luật tại Hàn Quốc. Tổng thống cho biết ông hành động để “bảo vệ nền dân chủ tự do” của đất nước trước “các thành phần chống nhà nước” và “các mối đe dọa từ Triều Tiên”.

Một sắc lệnh gồm 6 điểm đã nhanh chóng được chỉ huy thiết quân luật mới là tướng Park An-su ban hành sau đó: Cấm các hoạt động chính trị và đảng phái, “tuyên truyền sai sự thật”, đình công và “các cuộc tụ tập kích động bất ổn xã hội”. Lệnh này cũng đưa tất cả các phương tiện truyền thông vào diện thiết quân luật và chỉ đạo tất cả nhân viên y tế, bao gồm cả các bác sĩ đình công, phải trở lại làm việc trong vòng 48 giờ.

Lực lượng an ninh đã phong tỏa Quốc hội, trực thăng hạ cánh trên nóc tòa nhà và quân đội đã vào tòa nhà trong một thời gian ngắn để ngăn chặn các nhà lập pháp vào bên trong. Nhưng, 190 nhà lập pháp vẫn tìm cách vào được bên trong và đã bỏ phiếu nhất trí bác bỏ tuyên bố của ông Yoon Suk Yeol, kêu gọi dỡ bỏ thiết quân luật. Bên ngoài, hàng trăm người biểu tình tụ tập, nhiều người hô vang khẩu hiệu kêu gọi bắt giữ ông Yoon Suk Yeol. 

Hàn Quốc: Sai lầm của ông Yoon Suk Yeol -0
Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối thiết quân luật.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về việc dỡ bỏ thiết quân luật phải được tôn trọng. Các quan chức quân đội ban đầu cho biết rằng bất chấp cuộc bỏ phiếu, thiết quân luật sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi chính Tổng thống Yoon Sul Yeol dỡ bỏ. Nhưng, phe đối lập đã thống nhất trên mọi đường lối chính trị. Lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon Suk Yeol gọi quyết định áp đặt thiết quân luật là “sai”.

Ông Lee Jae-myung, lãnh đạo phe đối lập đã thua sít sao trước ông Yoon Suk Yeol trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, cho biết thông báo của ông Yoon là “bất hợp pháp và vi hiến”. Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc do ông Lee Jae-myung lãnh đạo đã gọi động thái của tổng thống “về cơ bản là một cuộc đảo chính”.

Trước tình thế đó, 6 giờ sau khi ban bố thiết quân luật, sáng 4/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố quân đội sẽ trở về doanh trại và lệnh này sẽ được dỡ bỏ sau cuộc họp nội các.Một câu hỏi được đặt ra là “tại sao Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật?”. Theo truyền thông Hàn Quốc, tuyên bố thiết quân luật được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi về ngân sách đang diễn ra giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và đảng Dân chủ đối lập. Phe đối lập đã cắt giảm khoảng 4,1 nghìn tỷ won (2,8 tỷ USD) từ ngân sách 677 nghìn tỷ won do Tổng thống Yoon Suk Yeol đề xuất cho năm 2025, khiến tổng thống phàn nàn rằng “tất cả các ngân sách quan trọng cần thiết cho các chức năng cốt lõi của quốc gia” đều bị cắt giảm.

Trước đó Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đối mặt với những lời kêu gọi từ chức trong năm nay vì uy tín của ông đã giảm sút, phần lớn là do một chiếc túi xách hàng hiệu của thương hiệu Dior. Chuyện là, năm ngoái đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee bị cáo buộc đã nhận một món quà tặng là chiếc túi xách Christian Dior trị giá 2.200 USD - một hành vi có khả năng vi phạm luật chống tham nhũng của Hàn Quốc, luật này cấm các quan chức nhà nước và vợ/chồng của họ nhận những món quà trị giá hơn 750 USD liên quan đến nhiệm vụ công của họ.

Cuộc tranh cãi bắt đầu vào tháng 11/2023, khi một đoạn video quay lén xuất hiện trên mạng cho thấy cảnh bà Kim Keon Hee nhận một chiếc túi da bê màu xám hiệu “Lady Dior Pouch” từ mục sư người Mỹ gốc Hàn Choi Jae-young. Một năm sau, tháng 11/2024, công tố viên quyết định không buộc tội đệ nhất phu nhân về cáo buộc nhận quà tặng không phù hợp. 

Nhưng, phản ứng của ông Yoon Suk Yeol trước cuộc tranh cãi này đã ảnh hưởng đến vị thế của ông. Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố đoạn video là “chiêu trò chính trị” nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - kết quả là phe đối lập đã giành chiến thắng áp đảo.

Tương lai chính trị bấp bênh

Việc ban bố thiết quân luật không chỉ khiến tình hình chính trị trong nước rối loạn và các đồng minh của Hàn Quốc, nhất là Mỹ “hoang mang” theo dõi suốt khoảng thời gian diễn biến vụ việc, mà còn đặt đảng cầm quyền và chính bản thân Tổng thống Yoon Suk Yeol vào thế bất lợi, uy tín giảm sút do bị dân chúng phản đối, các đảng phái đối lập công kích.

Tình hình đang khiến cho tương lai chính trị của ông Yoon Suk Yeol trở nên vô cùng bấp bênh. Các đảng đối lập Hàn Quốc đã đệ trình một động thái luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol về tuyên bố thiết quân luật của ông. “Chúng tôi đã đệ trình động thái luận tội được chuẩn bị khẩn cấp”, đại diện của 6 đảng đối lập bao gồm đảng Dân chủ chính cho biết vào hôm 4/12, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ thảo luận về thời điểm đưa động thái này ra bỏ phiếu, nhưng có thể sớm nhất là vào ngày 6/12. Trước đó, các nghị sĩ của đảng Dân chủ đối lập đã kêu gọi ông Yoon Suk Yeol từ chức ngay lập tức hoặc họ sẽ thực hiện các bước để luận tội ông. Ông cũng đang bị cảnh sát điều tra liên quan việc ban bố thiết quân luật.

Các đảng đối lập cùng nhau kiểm soát 192 ghế trong Quốc hội gồm 300 ghế, vì vậy sẽ cần các nhà lập pháp từ chính đảng của ông Yoon Suk Yeol tham gia để đạt được đa số 2/3 cần thiết để luận tội. Nếu quốc hội bỏ phiếu luận tội ông Yoon Suk Yeol, quyết định đó sau đó phải được ít nhất 6 trong số 9 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp bảo lưu.

Nếu bị phế truất, ông Yoon Suk Yeol sẽ trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị phế truất. Trước ông, bà Park Geun-hye đã bị luận tội và phế truất vào năm 2017. Trớ trêu thay, chính ông Yoon Suk Yeol khi đó là Tổng chưởng lý, là người đã chỉ đạo vụ án tham nhũng dẫn đến sự sụp đổ của bà Park Geun-hye.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/han-quoc-sai-lam-cua-ong-yoon-suk-yeol-i752711/

An Châu / CAND